26/02/2019 06:30 GMT+7

BOT Cai Lậy thu phí lại từ tháng 3: 'DN hi vọng tài xế hợp tác'

M.TRƯỜNG - Q.KHẢI - T.TÚ - T.DUNG
M.TRƯỜNG - Q.KHẢI - T.TÚ - T.DUNG

TTO - Chiều 25-2, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo để thông tin về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để chuẩn bị cho việc thu phí trở lại vào tháng 3-2019, sau hơn một năm phải tạm dừng thu phí do bị tài xế phản ứng.

BOT Cai Lậy thu phí lại từ tháng 3: DN hi vọng tài xế hợp tác - Ảnh 1.

Trạm BOT Cai Lậy kẹt cứng do tài xế phản đối bằng cách trả tiền lẻ trước khi trạm này tạm dừng thu phí - Ảnh: NAM TRẦN

Trong khi chủ đầu tư cho biết doanh nghiệp đã thua lỗ nặng trong thời gian tạm dừng thu phí và hi vọng sẽ được sự hợp tác của các tài xế khi trạm hoạt động trở lại, lãnh đạo chính quyền địa phương khẳng định đã giao cho lực lượng công an đảm trách việc an ninh, trật tự tại khu vực trạm này.

Giảm phí cho xe khu vực gần trạm

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết thời gian qua các trạm thu phí trên cả nước đã tiếp 112 đoàn thanh tra, trạm BOT Cai Lậy cũng nằm trong số đó. 

Theo kết quả thanh tra, kiểm toán, tổng chi phí đầu tư dự án tuyến tránh BOT Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khoảng gần 1.381 tỉ đồng, không chênh lệch nhiều với con số đã công bố trước đó (1.389 tỉ đồng).

"Các dự án BOT được triển khai mới sẽ tương đối hoàn chỉnh hơn. Dù Luật đầu tư đối tác công tư chưa có nhưng chúng ta dựa theo các luật, các nghị định, thông tư để triển khai. Còn các dự án trước đây chưa có nghị định, chưa có thông tư hướng dẫn hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai nên đã tồn tại một số vấn đề" - ông Nhật thừa nhận.

Cũng theo ông Nhật, thời gian qua các ngành chức năng cũng đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết vấn đề xung đột tại trạm thu phí BOT Cai Lậy. 

Đến nay, Bộ GTVT và nhà đầu tư thống nhất giải quyết theo phương án 1. Tức giữ nguyên vị trí hiện tại, giảm tối đa cho các xe khu vực quanh trạm thu phí Cai Lậy (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đến 10km.

Ông Phạm Văn Cường - phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - cũng cho biết sẽ miễn phí qua trạm cho xe không kinh doanh của người dân khu vực gần trạm thu phí BOT Cai Lậy, còn xe kinh doanh thì sẽ giảm khoảng 20-30% trên vé tháng.

BOT Cai Lậy thu phí lại từ tháng 3: DN hi vọng tài xế hợp tác - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết kết quả kiểm toán cho thấy vốn đầu tư trạm thu phí BOT Cai Lậy không chênh nhiều so với công bố trước đó - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

"Anh em thông cảm cho nhà đầu tư"

Cũng tại buổi họp báo, ông Cường cho biết sau hơn 1 năm tạm dừng thu phí tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, đơn vị đã lỗ khoảng 130 tỉ đồng, gồm tiền bảo dưỡng, tiền lãi vay ngân hàng... 

Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận vẫn chưa biết tình trạng phản đối của tài xế có tái diễn hay không sau khi cơ quản quản lý đã minh bạch nguồn vốn đầu tư, trong khi công ty cũng có chính sách miễn, giảm giá vé cho người dân xung quanh khu vực trạm thu phí này.

"Chúng tôi là nhà đầu tư, là doanh nghiệp, là người dân nên chúng tôi chả có biện pháp gì cả. Nếu đưa tiền chẵn, chúng tôi chọn ra một làn để thối tiền. Nếu đưa tiền lẻ, chúng tôi chọn ra cái làn để đếm tiền. Nếu kẹt xe thì chúng tôi xuống năn nỉ anh em thôi, anh em cũng phải thông cảm cho nhà đầu tư" - ông Cường nói.

Theo ông Cường, doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư, đồng hành cùng Nhà nước trong giai đoạn khó khăn của Nhà nước, nên cũng mong thu lại được hiệu quả của mình. 

"Nhưng mà tình hình hiện nay xảy ra vậy, các anh hỏi biện pháp gì, biện pháp cuối cùng của nhà đầu tư là năn nỉ anh em lái xe, giải thích cho anh em lái xe hiểu rõ hơn" - ông Cường cho biết.

Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chính quyền Tiền Giang đã giao các địa phương rà soát, thống kê lượng xe để làm thủ tục với chủ đầu tư để được miễn, giảm phí theo quy định. 

"Riêng việc đảm bảo an ninh khu vực trạm, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho lực lượng công an tỉnh xử lý theo nghiệp vụ của ngành công an" - ông Tuấn nói.

Nhiều "lận đận"

Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) được khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1.389 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới hoàn toàn dài khoảng 12km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng; phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào chạy thử một thời gian, đầu tháng 8-2017 trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức đi vào hoạt động nhằm hoàn vốn đầu tư dự án.

Thời gian thu phí dự kiến ban đầu là 6 năm 5 tháng với mức phí dao động từ 35.000-180.000 đồng tùy từng nhóm xe.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu thu phí, trạm BOT này đã vấp phải sự phản đối của giới tài xế và liên tục phải xả trạm.

Đến ngày 16-8-2017, trạm này đã giảm mức phí xuống mức thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất là 160.000 đồng.

Dù vậy, việc giảm phí không giải quyết được tình trạng tài xế phản đối trạm bằng việc đưa tiền lẻ để kéo dài thời gian đi qua trạm, gây kẹt xe nên trạm này đã tạm ngưng thu phí 3 tháng để tính toán lại.

Đến đầu tháng 12-2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm ngưng thu phí cho đến nay.

BOT Cai Lậy trước "giờ G" thu phí trở lại

TTO - Theo kế hoạch, chiều nay (25-2), Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức họp báo thông tin về các vấn đề liên quan đến dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường QL1, trong đó có kế hoạch về việc thu phí trở lại.


M.TRƯỜNG - Q.KHẢI - T.TÚ - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên