Tại TP.HCM, có những giao lộ cho phép người đi xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, cũng có giao lộ không cho. Nhưng cho hay không cho thì người người vẫn thường có thói quen rẽ luôn mà không nhìn đèn.
Tại các ngã ba, ngã tư nếu cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ thì cơ quan chức năng sẽ treo tấm biển phụ trên cột đèn giao thông với nội dung "xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ", hoặc họ sẽ lắp đèn có hình chiếc xe máy cùng mũi tên chỉ hướng rẽ phải, đèn này sẽ sáng (màu xanh) khi đèn đi thẳng màu đỏ để người tham gia giao thông nhận biết là được phép rẽ phải khi đèn đỏ.
Chị Thu Huyền (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ việc rẽ phải khi đèn đang đỏ như một thói quen khó bỏ đối với chị. Chị Huyền nói khi chạy gần tới giao lộ mà đèn đang đỏ chị sẽ tìm cách leo lề rồi rẽ luôn, chứ mình dừng lại chờ thì người sau cũng bóp còi xin qua, vậy nên cứ rẽ luôn cho xong.
Còn anh Quang Thịnh cho rằng gần đây có nhiều vụ xe lớn tông các xe máy đang chờ đèn đỏ, vậy nên nếu thấy có thể rẽ được thì anh sẽ rẽ luôn cho… an toàn.
Tại giao lộ Kha Vạn Cân - Hiệp Bình, TP Thủ Đức buổi sáng ai hay dừng đèn đỏ trên đường Kha Vạn Cân sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh người phía sau bóp còi inh ỏi để người phía trước "né qua bên" cho họ rẽ phải vào Hiệp Bình. Ai dễ tính thì họ chạy nhích lên tí để tạo ra khoảng trống cho xe rẽ phải, có bữa gặp người khó tính, họ làm ngơ không nhường đường thì người phía sau liền lẩm bẩm trong miệng. Tuy nhiên sự thật là đoạn này không cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ.
Ngược lại tại giao lộ song hành Võ Nguyên Giáp - Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức cho phép các xe từ đường song hành rẽ phải vào Đỗ Xuân Hợp khi đèn đỏ. Tuy nhiên người dân dừng chờ chiếm hết đường, ai muốn rẽ phải chỉ còn cách leo vỉa hè.
Nhiều người cho rằng chính sự bất nhất này gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Vì nhiều người vẫn luôn mặc định đèn đỏ được rẽ phải, khi rẽ sẽ không xung đột với dòng xe đang băng qua, và hiếm khi xảy ra tai nạn do đang chạy chậm. Tuy nhiên suy nghĩ là một chuyện, luật quy định lại là chuyện khác, có những giao lộ không cho phép rẽ, ai rẽ bất chấp sẽ gặp ngay chốt CSGT.
Anh Thanh Tùng (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng việc xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ giảm ùn tắc và áp lực giao thông. Anh mong rằng chính quyền nên nghiên cứu, cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ.
Theo anh Tùng, việc xe máy rẽ phải thường chỉ có vài chiếc, nên sẽ không ảnh hưởng gì tới dòng xe đang băng qua.
Trong khi đó anh Thanh Hải (ngụ Bình Dương) cho rằng hiện nay có rất ít giao lộ cho phép xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ, trong khi có nhiều giao lộ xe cộ qua lại không đông, nhưng vẫn không được rẽ thì hơi khắt khe. Theo anh Hải, các ban ngành nên nghiên cứu tình hình từng giao lộ để có hướng xử lý linh động, vì không phải giao lộ nào cũng được phép rẽ phải.
Anh Hải lấy ví dụ như giao lộ Phạm Văn Đồng - Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức. Phía đầu Tô Ngọc Vân là nút thắt cổ chai, cộng thêm có đường ray xe lửa cắt ngang nên các xe chạy tốc độ chậm và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vì vậy giao lộ này không nên cho các xe rẽ phải từ Phạm Văn Đồng vào Tô Ngọc Vân để không tăng thêm áp lực giao thông. Các xe muốn rẽ phải thì chờ đèn xanh, khi đó xe bên Tô Ngọc Vân không còn băng qua đường, lúc này đường trống trải người dân rẽ phải thoải mái.
Ngoài ra có một số tuyến đường có diện tích nhỏ hẹp, chỉ cần 1 xe ô tô và thêm 1-2 xe máy dừng chờ đèn là chiếm hết diện tích, không còn đủ khoảng trống để các xe khác vượt lên rẽ phải. Những giao lộ này không cho xe rẽ để tránh tình trạng bóp còi, xin đường rồi dẫn đến tranh cãi.
Rẽ phải sai quy định có thể bị tước bằng lái xe
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho biết: Không phải giao lộ nào cũng được phép rẽ phải.
Một số trường hợp được rẽ phải khi gặp đèn đỏ như có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; ở giao lộ có biển báo phụ cho rẽ phải; có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo. Nếu có tiểu đảo phân luồng thì người đi đường cũng được phép rẽ phải.
Vị này lưu ý người dân phải bật xi nhan và nhường đường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.
Nếu người dân không chú ý biển báo mà vô tư rẽ sai có thể bị xử phạt, căn cứ theo nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 123/2021). Cụ thể như sau:
- Đối với người lái xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) thì phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
- Đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thì bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.
Ngoài ra, nếu tại giao lộ có vạch mắt võng cũng không được dừng xe trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Trong khu vực vạch này nếu có kèm mũi tên rẽ phải, xe cộ bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận