Ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... Câu chuyện "tiếng còi xe" luôn là chủ đề dấy lên tranh luận giữa nhiều phía. Bởi việc sử dụng còi xe vô tội vạ khi tham gia giao thông đã không còn là chuyện hiếm, nhất là thời điểm tan tầm. Không những thế, âm thanh của những chiếc còi này không chỉ đơn thuần là tiếng ồn, đôi khi đó còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, có thể dẫn đến chết người.
Thế nhưng mặc nhiều phản pháo về tiếng còi xe, chúng vẫn hiện diện hàng giây, hàng phút trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, dẫu cả khi đêm xuống, tiếng còi xe cũng chẳng biến mất hoàn toàn.
Vì lẽ đó, không ít người vẫn lên tiếng bình luận về tiếng còi xe, bằng cách này hay cách khác. Như mới đây, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải một "fact" (hiểu nôm na là sự thật) có nội dung "Bóp kèn không giúp đường rộng thêm", thu hút sự chú ý đông đảo của dân mạng.
Tấm ảnh "fact" này lan truyền với tốc độ chóng mặt khi chưa đầy một ngày đã "gặt hái" được hơn 10.000 likes và 5.000 lượt chia sẻ, kèm theo đó là hàng ngàn lượt bình luận xoay quanh chủ đề tiếng còi xe.
Người đồng tình với việc bóp còi xe thì...
- Đôi khi một số người đèn xanh thì không chịu chạy, cứ phải bóp kèn mới lắng tai nghe. Hay một số người qua đường nhưng không bật xi nhan, mình không bấm còi để báo hiệu thì họ còn phân vân, chần chừ mãi hoặc cứ dở dở ương ương đứng trước mũi xe.
- Đi xe ở Sài Gòn hay Hà Nội không chỉ căng mắt mà còn phải căng hết gân tay để bấm còi xe mọi người ạ. Một số thành phần đi không đúng làn hoặc lơ đễnh thì mình không bấm còi thì làm gì bây giờ?
- Thường tôi chỉ bấm để báo hiệu là xe tôi đang ở đó (những tuyến đường khuất tầm nhìn) hay đường không có dải phân cách và nhỏ, hoặc ngã 3, ngã 4 không đèn. Với cả có nhiều ông, nhiều chị đèn xanh rồi mà vẫn còn thẫn thờ hôn nhiên, nghĩ luyên thuyên về một vùng trời nào đó mà chẳng chịu chạy!
- Có kèn không bấm thì để làm gì? Sao bạn không kiến nghị lên nhà sản xuất ngưng gắn còi xe đi. Họ sáng chế gì cũng có lý do của nó thôi mà...
Người phản đối thì...
- Đèn đỏ vừa nhảy từ 5 xuống 4, 3, 2, 1 là như kiểu "gà mắc đẻ", bấm còi liên hồi. Mình cũng là người, mình cũng biết "cộc" là gì đó, nhưng phải nhịn bởi vì một xã hội văn minh.
- Bóp còi vô tội vạ là hành động kém văn minh, thiếu lịch sự, cần lên án.
- Trước mình còn bị điếc tạm thời do phải chịu đựng nhiều âm thanh to trong thời gian dài. Mà cũng ngộ, đường thì nhỏ, xe thì đông, không nhích được mà nhiều bác, nhiều chú cứ bóp còi inh ỏi, đến chịu thua luôn ấy.
- Đặc sản Việt Nam là tiếng còi xe ư? Bạn bỏ ngay suy nghĩ đó và đừng cho rằng đấy là nét đặc trưng giao thông nước ta. Tiếng còi xe vang lên, nghĩa là bạn đã thiếu bình tĩnh khi xử lý một tình huống khi tham gia giao thông, và hiển nhiên bạn sẽ có những hành vi nóng vội, kém văn minh, đơn giản nhất là bóp còi đấy!
- Gia đình mình từng có người mất vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân gây ra là người cô đó bị "giật mình" khi nghe tiếng xe tải bóp phía sau, tay lái yếu, lại gặp phía trước là vũng nước đọng và...
- Làm ơn xin dừng tất cả tiếng còi xe đi, tôi stress lắm rồi đây!
Không chỉ cộng đồng mạng đã từng có nhiều ý kiến trái chiều về tiếng còi xe, ngay cả nhiều nghệ sĩ Việt - như NSƯT Mỹ Uyên cũng từng bức xúc khi rơi vào tình huống buộc phải phản ứng khi gặp phải âm thanh quá to, khó chịu này. Cô tường thuật câu chuyện trên trang Facebook của mình vào năm 2015 với một tâm thế "bó tay... chấm cơm, chấm canh" khi bị một tài xế hãng taxi mắng xối xả vì có phản ứng tiếng còi xe.
Và đến nay là năm 2020, mọi chuyện vẫn như nếp cũ, người người vẫn bấm còi xe, nhà nhà vẫn xem đó là chuyện bình thường - chẳng chút thay đổi, nhất là khi tình hình giao thông ngày càng phức tạp.
Bạn nghĩ sao về tiếng còi xe, liệu có thực sự cần khi tham gia giao thông?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận