Bookshelf wealth: Đọc hay trưng, vẫn bừng cá tính

PHAN BẢO 23/04/2025 14:00 GMT+7

TTCT - Giống như cách trào lưu "sang chảnh im lặng" bóc trần nỗi ám ảnh của đại đa số người bình dân về một cuộc sống siêu giàu, cơn sốt "gia tài trên kệ sách" và "drama" quanh nó cũng nói lên một điều rất khó chịu trong văn hóa thời nay.

kệ sách - Ảnh 1.

Những căn phòng theo phong cách “bookshelf wealth”. Ảnh: Future

Hơn một năm qua, phong cách trang trí nhà với kệ đầy ắp sách - hay còn gọi là "bookshelf wealth" - lan rộng khắp mạng xã hội, đồng thời chia cộng đồng mạng thành hai phe rõ rệt: một phe vừa đọc sách vừa dùng trang trí, phe còn lại chỉ có vế sau.

"Bookshelf wealth là phong cách nội thất gợi cảm giác ấm áp thường thấy trong các bộ phim của đạo diễn người Mỹ Nancy Meyers - nội thất cổ điển, êm ái và đặc biệt không thể thiếu những kệ sách cao chạm trần, khoe trọn bộ sưu tập sách đồ sộ của chủ nhân" - nhà thiết kế nội thất Kailee Blalock, sống tại San Diego, nói trong một video đăng trên TikTok vào tháng 12-2023. 

Từ đó, xu hướng "gia tài trên kệ sách" này bắt đầu phổ biến, rầm rộ nhất là mấy tháng đầu năm 2024, và cho tới nay vẫn chưa hạ nhiệt.

Gia tài trên kệ sách

Để dễ hình dung phong cách này hơn, The New York Times miêu tả: "Gọn gàng nhưng không kiểu cách. Một chiếc đèn bàn bằng đồng ở góc này. Một bình hoa cổ ở góc kia (tất nhiên phải cắm hoa tươi). Có thể sẽ là một góc đọc sách ấm cúng gần kệ sách cao đến trần nhà, cùng một chiếc ghế sofa mềm mại và vài chiếc gối tựa xinh xắn".

Thông thường, các "gia tài trên kệ sách" không chỉ có bộ sưu tập sách, mà còn đi kèm các tác phẩm nghệ thuật được treo ngẫu hứng, tạo cảm giác không gian này không chỉ là nơi sinh sống mà còn là kết quả của nhiều năm sưu tầm. Cách bài trí có vẻ lộn xộn nhưng hoàn toàn có chủ đích, kết hợp những món đồ lưu niệm từ các chuyến du lịch được sắp xếp khéo léo.

Một mấu chốt quan trọng của phong cách này, theo biên tập viên Rachel Silva của tạp chí nội thất Elle Decor, là người theo đuổi nó phải thực sự thích đọc. Tác giả Sharon Greenthal của tạp chí Better Homes & Gardens đồng quan điểm: Một không gian tràn ngập sách không thể bày ra trong ngày một ngày hai. Nó là kết quả của một đời sống gắn bó với văn chương và nghệ thuật, không chỉ là một phong cách nội thất để sao chép.

Tương tự, Blalock, người mở màn phong trào, nhấn mạnh khi chia sẻ với The New York Times: "Tôi nghĩ để thực sự đạt được phong cách này - cả về hình thức lẫn lối sống - bạn phải là người đam mê đọc sách và yêu thích sưu tầm, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc".

Tự nhiên hay sắp đặt?

Mặc dù Blalock không phải là người đầu tiên nghĩ ra cụm từ "bookshelf wealth", video của cô đã thu hút hàng triệu lượt xem và khơi lên cuộc tranh luận sôi nổi về việc những người theo đuổi phong cách này có thật sự yêu sách hay không.

Nhiều người cho rằng có một bộ phận không nhỏ "đu trend", giả vờ sưu tầm sách chỉ để trang trí nội thất, thay vì tích lũy sách một cách tự nhiên theo thời gian. Từ kệ sách bảy sắc cầu vồng đến sách quay ngược gáy vào tường, sách họ chưng không cần được đọc, chỉ cần "trông có vẻ đáng đọc".

Họ chỉ trích trào lưu này là sáo rỗng, thiếu tính chân thực, vì "ai cũng có thể bày sách cho đẹp, nhưng không thể mua được chiều sâu mà sách mang lại trong đời sống của một người đọc thật sự" - Greenthal của Better Homes & Gardens phân tích.

Những người phê phán cho rằng số theo trend trên chỉ nhằm khoe khoang xuất thân từ tầng lớp thu nhập cao. "Ngày mà tôi "vơ vét" sách thay vì chọn quyển mình thật sự muốn đọc, cũng là lúc tôi biết mình đã thất bại với tư cách một con người" - một người bình luận với lời lẽ khá nặng bên dưới video của Blalock. Một người khác nói thêm: "Thật ra, nếu bạn cố đạt được phong cách này, bạn sẽ thất bại. Bạn chỉ đạt được phong cách này khi nó diễn ra tự nhiên".

Trong khi đó, người dùng Brianna Newton đã làm video phản hồi video của Blalock, cho người xem thấy một phiên bản "bookshelf wealth" thực sự, không sắp đặt, tại nhà cô ở Princeton, New Jersey. 

Newton quay những căn phòng ngập tràn sách trên kệ, chất đống ở góc nhà, nằm rải rác trên giường, như một kết quả tự nhiên của việc cô là người mê sách, chứ không phải vì theo đuổi một xu hướng thẩm mỹ nào. Không hề có cảm giác những căn phòng này được dàn dựng cho đẹp chỉ để chụp hình khoe lên Instagram, hay sách được mua chỉ nhằm trang trí.

Trong một video phản hồi khác, người dùng Keila Tirado-Leist đặt câu hỏi mở: "Ai là người được lợi khi cứ phải đặt tên, phân loại và gắn mác sự giàu có cho bất kỳ phong cách trang trí nhà cửa nào?". 

Cô cũng đồng tình rằng "bookshelf wealth" chỉ là một xu hướng thẩm mỹ mới trên mạng xã hội nhằm tôn vinh tầng lớp thượng lưu, nối tiếp những xu hướng như "quiet luxury" (sang trọng trong thầm lặng) và "stealth wealth" (giàu ngầm) phổ biến trong vài năm gần đây.

Một người dùng TikTok khác bình luận thẳng thắn dưới video của Blalock: "Trào lưu bookshelf wealth bây giờ không chứng minh được một người đọc nhiều sách. Nó chỉ nói lên rằng bạn có kệ sách âm tường".

Miễn thấy vui là được

Theo phân tích của Eva Wiseman trên tờ The Guardian, giữa những trào lưu như "bookshelf wealth", rõ ràng sách ngày nay có giá trị không chỉ vì chúng bồi bổ trí tuệ hay mở mang tầm nhìn, mà còn thành một thứ khẳng định vị thế - nhìn kệ sách là biết ngay chủ nhà thuộc dạng trí thức có gu (dù đúng hay không thì chưa biết).

Giữa khoe chồng sách vừa đọc trong tháng với "flex" không gian đầy ắp sách, ai thích làm gì thì làm, nước sông không phạm nước giếng. Được thế thì thiên hạ đã thái bình. Khốn nỗi, hai phe lại thích săm soi và đấu đá nhau. Trong chuyện "giàu sách giàu vở", hai bên chiến tuyến rất rõ ràng: các chị em yêu đời mê cái đẹp ấm cúng đối đầu với những người mà Wiseman miêu tả là "đã hóa rồ".

Giữ thái độ trung lập, Wiseman cho rằng ngồi xem hai phe đấu nhau cũng vui. Bên phản đối phong trào, tự nhận "người đọc thực thụ", làm như thể việc để sách mang thêm sắc màu và chiều sâu cho căn phòng là tội báng bổ văn học, trong khi chính họ cũng ngấm ngầm xem sách là thứ thể hiện đẳng cấp. 

Lỗi của phe vun vén "gia tài trên kệ sách", có chăng, là nói ra cái suy nghĩ thầm kín mà phe "sùng bái" sách vở muốn mà không dám nói, rằng sách không chỉ có nội dung bên trong, mà còn là một món phụ kiện thể hiện đẳng cấp.

"Trào lưu này, nói thẳng, không nói lên điều gì mới về sách cả - từ xưa tới giờ, sách đã là đạo cụ trí tuệ. Lúc nào cũng có anh chàng u sầu hay quý cô thần bí ôm sách như món trang sức cho tâm hồn. 

Phong trào bookshelf wealth chỉ đang chỉ ra một điều: sự bất an ngấm ngầm trong lòng người - từ những mọt sách cảm thấy bản ngã bị đe dọa vì sách giờ đây bị dùng để… phối màu phòng khách, cho tới những kẻ theo trend luôn ao ước sống trong một căn nhà (thuê) ổn định, không phải nơm nớp lo bị mời đi chỉ vì chủ nhà đột nhiên muốn sơn lại nhà tắm và tiện thể tăng tiền thuê lên gấp đôi" - Wiseman mỉa mai.

Giống như cách trào lưu "sang chảnh im lặng" bóc trần nỗi ám ảnh của đại đa số người bình dân về một cuộc sống siêu giàu, cơn sốt "gia tài trên kệ sách" và "drama" quanh nó cũng nói lên một điều rất khó chịu trong văn hóa thời nay: sự khắt khe trước ước mơ nhỏ nhoi nhưng phổ biến của nhiều người - ước mơ được sống bình yên giữa những câu chuyện quý giá - đến nỗi cay cú khi thấy người ta "xài sách sai cách".

Không cần hô hào, những ai xem sách... chính là sách, và chỉ là sách thôi, chắc chắn sẽ luôn đứng ngoài mọi tranh cãi như vậy.

Đọc hay trưng, vẫn bừng cá tính - Ảnh 1.

Thư viện mang kiến trúc Gothic tại dinh thự Strawberry Hill (Anh). Ảnh: The Victorian Web

Phe phản đối "bookshelf wealth" có lẽ sẽ bất ngờ khi biết rằng việc ứng dụng sách như nội thất sang chảnh nhiều hơn là để đọc không hề mới.

Trong một bài viết trên Financial Times, nhà phê bình kiến trúc Edwin Heathcote cho biết từ thế kỷ 16, triết gia Michel de Montaigne đã lo những bài luận của ông chỉ là "vật làm cảnh trên cửa sổ phòng khách". Thế kỷ 18-19, không dinh thự quý tộc Anh nào thiếu thư viện, dù chủ nhân chủ yếu dùng để trốn vợ con hơn là đọc.

Thư viện mang kiến trúc Gothic của nhà sưu tầm đồ cổ Horace Walpole (1717-1797) tại dinh thự Strawberry Hill (Anh) còn khởi xướng xu hướng trang trí tủ sách cầu kỳ hơn, khiến thư viện vẫn được xem là không gian quan trọng trong một ngôi nhà lớn cho đến tận thế kỷ 20.

Sang thế kỷ 20, khi các đại gia Mỹ bắt chước phong cách xây nhà của giới quý tộc Anh, họ cũng vơ vét sách bọc da để tạo vẻ tinh hoa. Từ đó hình thành cả ngành công nghiệp bán sách theo… mét.

Những ví dụ trên chứng minh rằng vai trò thị giác trong không gian sống của sách từ xưa vốn đã không kém cạnh công năng cung cấp kiến thức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận