Bức "Biển" của họa sĩ .
Đây là những tác phẩm được Lê Thiết Cương sáng tác trong hai năm 2016-2017 với những chủ đề quen thuộc, gần gũi như phố xá, nhà cửa, cây cối, dòng sông, bàn ghế... nhưng bằng phong cách tối giản, hoạ sĩ đã thổi hồn vào những hình ảnh đó tạo nên những bức tranh nhiều suy tưởng cho người xem.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã có 30 năm theo đuổi phong cách hội hoạ tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau như đậm nhạt, hoà sắc, hình và nét...
Với Hình và bóng, hoạ sĩ tiếp cận một hình thức tối giản khác là "thả trôi", không còn gò đề tài vào những nét tạo hình cụ thể, hình ảnh không còn nằm trong những đường viền nữa mà tràn rộng, tạo cảm giác mở không có giới hạn.
"Mỗi một lần triển lãm tranh thì phải đưa ra được những bức tranh vẫn phải là tôi nhưng dứt khoát phải là một tôi mới. Nó vẫn phải tối giản như tôi đã từng đi trong 30 năm vừa rồi nhưng phải là tối giản mới.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có hỏi tôi sẽ vẽ tối giản tới đâu? Tôi trả lời rằng, tôi nhớ trước cửa nhà Thiều ở làng Chùa có một cái đầm ngày trước có hoa sen. Ông tặng tôi nước trong cái đầm ấy thì tôi cô lại thành cái ao.
Một hôm ông lại bảo tặng tôi toàn bộ nước trong cái ao đó thì nghĩa vụ của tôi là phải cô đặc nước ở cái ao đó thành cái bát. Và nếu ông cho tôi bát nước đó thì tôi cô lại thành cái chén.
Mỗi một lần bày tranh cũng như con đường tối giản tôi đang đi. Tôi tặng các bạn một chén nước tôi cô lại từ một cái đầm", hoạ sĩ Lê Thiết Cương kể câu chuyện cụ thể về phong cách hội hoạ tối giản mà anh đang theo đuổi.
Lê Thiết Cương nói thêm về hành trình này: "Thực ra là tôi gặp "tối giản" chứ không thể quyết tâm là ngày mai tôi đi tìm chủ nghĩa tối giản. Gặp chủ nghĩa tối giản cũng là tôi gặp tôi".
"Cầu" - Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét: "Sớm tạo ra một bút pháp riêng dù có vẻ rất đơn giản và "nghèo", việc vẽ của Lê Thiết Cương được quán triệt bởi cách dùng không gian phẳng, màu nguyên, vẽ nét có tính đồ hoạ.
Cương tinh giản hoá phương tiện cốt thể hiện ý đồ. Vì thế mọi hình ảnh được chắt lọc tới mức hình bóng và ý ký hiệu. Một vài con người lược giản thì chỉ còn vài đường gợi cong hình như trong chạm khắc cổ.
Căn nhà là một hình thang. Con đường là một nét vạch. Không gian tranh hoàn toàn theo cách nhìn trẻ con, hoặc theo lối "phi điểu" sự vật thì nhìn ngang, sắp đặt lại từ trên cao nhìn xuống. Có lẽ hoạ sĩ muốn xây dựng một lối thiền hoạ mới mà ở đó hội hoạ cũng chỉ có giá trị tượng trưng và gợi ý mà thôi".
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi những bức tranh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương chính là "những bức tranh có giá của máu".
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20-5 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức toạ đàm Nội dung và hình thức với sự tham dự của nhiều hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật.
Một số tranh của Lê Thiết Cương tại triển lãm:
Nhà thờ
Bàn và ghế
Phố 2
Phố 1
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận