31/10/2022 06:30 GMT+7

Bỗng sốt 7-8 ngày, cơ thể như suy kiệt, COVID-19, sốt xuất huyết hay gì?

DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN
DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN

TTO - Những ngày gần đây, nhiều người cho biết đã sốt nặng, kéo dài không thể làm được bất cứ việc gì, cơ thể như rơi vào "suy kiệt". "Tôi không thể nhấc được người dậy vì đau đầu, đau người, đau họng và không ăn uống được...".

Bỗng sốt 7-8 ngày, cơ thể như suy kiệt, COVID-19, sốt xuất huyết hay gì? - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) trong tình trạng sốt cao - Ảnh: D.LIỄU

Các bác sĩ cho biết các dấu hiệu trên là sốt vi rút do nhiều loại vi rút gây ra, với người lớn sốt vi rút thường nhẹ có thể tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp sốt cao, diễn biến nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khổ sở vì sốt vi rút "hành hạ"

Chị Trang (30 tuổi, trú tại Hà Nội) vừa trải qua mười ngày sốt kéo dài khiến chị mệt mỏi, khó tập trung công việc. Chị kể lại: "Ngày đầu tiên sốt cao gần 40oC, lo sợ mắc sốt xuất huyết, tôi đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Thực hiện hàng loạt xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm sốt xuất huyết, cúm A, B. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt vi rút, điều trị ngoại trú".

Sau khi về nhà chị Trang tiếp tục sốt liên tiếp bốn ngày, phải uống thuốc hạ sốt liên tục, người đau nhức, miệng đắng ngắt không thể ăn uống được gì. Đến ngày thứ năm thì bắt đầu hạ sốt, nhưng cứ đến chiều tối là đầu và người lại mệt mỏi, sốt nhẹ và đau đầu. Chỉ sau một tuần, chị Trang đã bị sụt mất 4kg, người vô cùng mệt mỏi. Đây là trận ốm lớn nhất mà chị từng trải qua.

Tương tự, anh Sơn (25 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng được bác sĩ chẩn đoán sốt do vi rút gây nên, người "bơ phờ" sau hơn một tuần nằm "liệt". "Tôi không thể nhấc được người dậy vì đau đầu, đau người, đau họng và không ăn uống được. Mặc dù không có diễn biến nặng nhưng chỉ sốt cũng khiến tôi như người vừa trải qua đại phẫu", anh Sơn ngán ngẩm nói.

Chị H.A. (33 tuổi, Đồng Nai) cho biết mình cũng vừa trải qua một đợt ốm nặng kéo dài đến hơn một tuần. Ban đầu chị có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C, kèm theo các triệu chứng như: nhức mỏi người, sổ mũi, ho khan, cảm giác cơ thể suy kiệt.

"Ban đầu tôi nghĩ mình bị COVID-19 nhưng khi làm test nhanh kết quả âm tính. Sau vài ngày thấy tình trạng sốt kéo dài tôi liền đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bị sốt do vi rút. Tôi được về nhà để điều trị và bác sĩ căn dặn uống thuốc theo triệu chứng, nếu có biểu hiện nặng phải quay trở lại bệnh viện. Các bác sĩ nói với tôi mùa này rất nhiều người bị như vậy", chị A. kể.

Sốt cao kéo dài có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - hầu hết các trường hợp sốt vi rút dấu hiệu quan trọng và nổi bật nhất đó là sốt rất cao, có thể trên 39 độ C tùy vào chủng vi rút. Các cơn sốt có thể liên tục tăng và giảm trong thời gian nhiễm bệnh, có thể sốt lên đến 40 - 41 độ C. Ngoài biểu hiện sốt cao thì người bệnh còn có các biểu hiện như đau đầu, nhức đầu dữ dội, viêm đường hô hấp (viêm họng, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi), nổi mẩn, đau nhức khắp người, đau cơ, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh còn có thể buồn nôn, nôn...

"Để chẩn đoán sốt vi rút, các bác sĩ thường sẽ dựa vào bệnh sử, triệu chứng và chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm cần thiết như sốt xuất huyết, xét nghiệm máu nhằm xác định có tình trạng nhiễm trùng hay không. Từ đó, xác định được chính xác tình trạng cũng như nguyên nhân của sốt. Với tình trạng nhiều dịch bệnh đang diễn biến, việc xác định chính xác nguyên nhân gây sốt để có hướng điều trị kịp thời là rất cần thiết. Sốt vi rút nếu không biến chứng chỉ cần điều trị ở nhà. Điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau bằng thuốc thông thường, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch", bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Tiến cũng cho hay mặc dù phần lớn sốt vi rút có thể tự khỏi sau 2-7 ngày, tuy nhiên cũng có một số trường hợp biến chứng, diễn biến nặng. Với những người lớn tuổi, có bệnh lý nền cần đặc biệt theo dõi. Những biến chứng có thể xảy ra như sốc nhiễm trùng, viêm phổi, viêm cơ tim... Khi có biểu hiện sốt cao không giảm, khó thở hoặc sau khi hết sốt nhưng cơ thể mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp... cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, xử lý kịp thời.

Một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết nếu tình trạng sốt kéo dài các bác sĩ thường chẩn đoán sốt vi rút hoặc sốt siêu vi, ở người lớn hệ miễn dịch khỏe mạnh nên có thể hết sau 5-7 ngày. Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường khiến vi rút phát triển mạnh, nhiễm vi rút đường hô hấp là phổ biến nhất.

Hầu hết các trường hợp sốt vi rút nhẹ không cần phải đến bệnh viện mà có thể tự điều trị tại nhà và sử dụng thuốc theo chỉ định. Theo đó, người bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi, bổ sung nước, vitamin C và cân bằng điện giải. Bên cạnh đó nên ăn các thức ăn dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với mọi người.

"Hiện nay nhiều người khi cảm thấy cơ thể kiệt sức, lạm dụng truyền dịch tại các cơ sở y tế, tuy nhiên điều này là không nên. Nếu việc truyền nước không có chỉ định của bác sĩ rất dễ gây ra các biến chứng, thậm chí là sốc dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất khi bị mất nước là bổ sung bằng đường uống. Trường hợp sốt quá bảy ngày, thời gian sốt thường kéo dài 1, 2 giờ trong ngày sau đó biến mất, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm kỹ lại, có thể liên quan đến một bệnh lý nào đó để có phương pháp điều trị kịp thời", bác sĩ này cho biết thêm.

'Ổ dịch' sốt tại Bắc Kạn: Số ca mắc đã giảm dần, không có ca diễn biến nặng

TTO - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, tình hình 'ổ dịch' sốt trên địa bàn đã ổn định, số ca mắc và số ca vào viện điều trị đã giảm dần, không có ca diễn biến nặng, không có ca bệnh chuyển tuyến trên.

DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên