Chị Mai Kim Ngân là một thành viên trong đội TNXP đầu tiên được điều về cảng Sài Gòn - Ảnh: Mai Hương |
Liên đội 71 đóng tại Nông trường Lê Minh Xuân được điều động đến cảng.
Những cơn “mưa màu” ở cảng
Đã nhiều năm trôi qua, chị Mai Kim Ngân, nguyên chủ tịch công đoàn, phó bí thư đảng ủy bộ phận thuộc cảng Nhà Rồng, Khánh Hội, vẫn ghi lòng lời dặn đó.
Chị là một thành viên nằm trong đội TNXP đầu tiên được điều về cảng Sài Gòn. Họ khác công nhân cảng ở chỗ vẫn mặc đồng phục TNXP khi làm nhiệm vụ.
Lịch sử Lực lượng TNXP TP.HCM có ghi: bối cảnh trong nước thời điểm những năm 1978-1979 vô cùng khó khăn. Biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc có chiến tranh. Thêm vào đó, trận lụt năm 1978 gây ra thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước nguy cơ nạn đói tái diễn và chiến tranh có thể lan rộng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã viện trợ cho nước ta một lượng lớn lương thực và hàng hóa cứu trợ.
Tất cả hàng hóa dồn hết về cảng Sài Gòn. Trong khi đó máy móc, phương tiện ở cảng đã lạc hậu, nhân công lại thiếu, không đủ để giải tỏa nhanh nguồn hàng. Nếu làm chậm, thành phố phải chịu phạt tiền theo hợp đồng của các tàu vận tải quốc tế.
Trước tình thế này, lãnh đạo TP.HCM quyết định điều động TNXP đến cảng Sài Gòn làm nhiệm vụ.
Chị Mai Kim Ngân xác nhận: “Tình hình lúc đó TP mình rất thiếu lương thực. Khi chúng tôi đi phục vụ chiến đấu ở biên giới thì được ưu tiên ăn độn bột mì. Còn người dân TP phải ăn độn bo bo. Trong 9kg lương thực phân phối cho mỗi người/tháng thì đã hơn 4kg là những loại để độn với gạo. Trong khi đó, bến cảng tiếp nhận rất nhiều bột mì, lúa mì viện trợ. Tàu bè cập cảng cũng rất đông”.
Đội TNXP đầu tiên về cảng được phân bổ vào các đội bốc xếp làm nòng cốt trong các đội. Chuyến tàu đầu tiên đội tham gia bốc dỡ là tàu chở gạo. Từ cảng, anh em cử người về Bình Đông lấy bao bố, đem về đóng gạo và vô bao.
“Công nhân ở cảng quen việc, sử dụng máy móc thành thạo thì họ dùng máy móc từng bao lên. Còn TNXP chỉ có sức trẻ, chưa rành kỹ thuật nên cứ vậy mà bốc xếp thủ công, sợ xài móc sắt không đúng cách sẽ rách bao bố. Sức tôi thời con gái 20 tuổi mỗi lần vác được bao gạo nặng 60kg” - chị Ngân nói.
Những lần xếp dỡ hàng là phân bón, cả đội chui xuống hầm tàu sâu đến 20-30m. Công việc phải làm là vun những hạt phân bón hóa học lại thành từng đống cao để công nhân điều máy móc đến “cạp” lên. Còn làm hàng đường do Cuba viện trợ thì nặng nề hơn vì mỗi bao đường nặng đến 80kg.
Ngày ấy ở bến cảng có nhiều cơn “mưa” lắm. Người làm ở cảng gọi là những cơn “mưa màu”. Do thiết bị bốc dỡ đã cũ, lạc hậu nên mỗi khi kéo hàng lên cao, sẽ có một lượng không nhỏ rơi vãi xuống. Nếu bốc gạo, bột mì thì sẽ có cơn mưa gạo, bột màu trắng.
Bốc dỡ đường thì có cơn mưa đường màu vàng. Bốc dỡ phân bón thì có cơn mưa màu đỏ, màu nâu...
“Hàng nước ngoài, hàng viện trợ lúc đó toàn hàng tốt, hàng quý. Tất cả hiện ra trước mặt mình, nằm trong tầm tay mình. Trong khi đời sống bên ngoài đang khó khăn, hàng hóa khan hiếm, lương thực, thực phẩm đang thiếu.
Nhiều lời mời gọi hợp tác móc nối tuồn hàng ra bán với món lợi không nhỏ đã đến với chúng tôi. Lúc này tôi mới hiểu “viên đạn bọc đường” mà đồng chí chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP nói là cái gì. Đúng là nếu không chuẩn bị sẵn tinh thần, không vững lòng thì rất dễ sa ngã” - chị Ngân kể tiếp.
Thời gian đó, ban chỉ huy liên đội 71 đã phát động những phong trào thi đua động viên, kêu gọi TNXP vừa học vừa làm, giữ vững phẩm chất, phát huy tinh thần xung phong, xung kích trên mặt trận mới.
Những phong trào mang tên “Bông sen ngọc trên bến cảng”, “Tất cả cho kiện hàng”, “Dậy sóng Bạch Đằng”... được anh em nhiệt tình hưởng ứng.
Kết thúc đợt công tác đầu tiên tại cảng, TNXP liên đội 71 đã bốc vác được gần 29.300 kiện hàng. Nhiều lần liên đội đạt năng suất bốc vác từ 14-18 tấn/ngày. Liên đội tổ chức ba ca trực 24/24 giờ. Gần 100% quân số lao động liên tục 16 giờ/ngày.
Nhiều đội viên TNXP để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công nhân và ban giám đốc cảng khi cương quyết từ chối nhận hối lộ của bọn buôn hàng chuyên hoạt động móc nối tại bến cảng.
"Chú Sáu Dân" - người anh cả của Lực lượng TNXP TP.HCM - trong ngày ra quân khai hoang phục hóa ở huyện Củ Chi ngày 28-3-1976 - Ảnh: tư liệu TNXP |
Những “công nhân 5 đồng”
Vào cảng làm việc, anh em TNXP bắt đầu tập làm quen với nhịp lao động của những công nhân thực thụ. Sáng sớm đến cảng, xếp hàng nhận ổ bánh mì lót dạ. Trưa ăn cơm tại cảng.
Theo lời chị Ngân, giai đoạn đầu khác với công nhân cảng, TNXP làm nhiệm vụ tại cảng cũng chỉ lãnh sinh hoạt phí 5 đồng/tháng, bất kể năng suất làm việc có cao đến mức nào. Cho nên công nhân ở cảng vẫn hay gọi TNXP là những “công nhân 5 đồng”.
Thấy TNXP toàn người trẻ, nhiệt tình, ham học hỏi, công nhân cảng rất thiện cảm, sẵn sàng chỉ bảo trong công việc.
Anh Phạm Mai Hùng, trưởng ban tổ chức tiền lương hành chính của cảng Tân Thuận 2 (chi nhánh thuộc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn), nhớ lại: “Chế độ thù lao không bao nhiêu nhưng anh em TNXP rất vui tươi.
Những lần chờ hàng về, giữa trưa mọi người vẫn giữ thói quen hát hò, sinh hoạt tập thể. Những bài ca TNXP, những bài hát, múa tập thể do Trung ương Đoàn phổ biến được chúng tôi “trình diễn” ngay tại nhà kho khiến nhiều công nhân cảng rất ngạc nhiên, thú vị.
Những lần bốc dỡ hàng hóa độc hại như thạch cao, phân bón..., cũng như công nhân cảng, mỗi người được ăn thêm chén chè đậu đen. Vậy là đủ vui, đủ phấn khởi rồi”.
Trong giai đoạn này, tại cảng Sài Gòn tổ chức tổ lao động xã hội chủ nghĩa. 80-90% thành viên trong tổ là TNXP. Anh Hùng thổ lộ: “Chúng tôi được xem là nòng cốt, tinh thần chung của tổ là không ngại khó, không ngại khổ.
Những đợt hàng quan trọng, hầu như ban lãnh đạo đều tin tưởng giao cho tổ”. Thời đó, chỉ tiêu cứ mỗi năm một người bốc dỡ trên 3.000 tấn hàng (gồm đủ các chủng loại hàng) thì được công nhận kiện tướng. Anh Hùng và các thành viên trong tổ lao động XHCN đều được công nhận kiện tướng.
Sau đợt đầu, kế thừa kinh nghiệm và thành tích của liên đội 71, liên đội 313 thuộc tổng đội 3 cũng được điều động về tăng cường giải phóng hàng hóa cho cảng Sài Gòn. Địa bàn công tác của liên đội 313 trải dài từ bến Nhà Rồng đến kho 18.
Đây là khu vực tập trung nhiều tệ nạn xã hội, nhiều đối tượng chuyên móc nối hoạt động tẩu tán hàng hóa trộm cắp từ cảng. Cán bộ, đội viên của liên đội đã phát hiện nhiều vụ đánh cắp tài sản XHCN và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đến đầu năm 1980 có 100 đội viên TNXP đã chính thức chuyển ngành, về công tác tại cảng Sài Gòn. Họ trở thành những công nhân thực thụ, mang trong mình nhiệt huyết của một thời TNXP.
Giai đoạn làm “nhiệm vụ tình thế” ở bến cảng của Lực lượng TNXP TP chỉ là một giai đoạn nhỏ trong quãng thời gian 40 năm ra đời, trưởng thành, nhưng đã góp phần khẳng định tính chất xung kích đi đầu trong những công tác khó khăn, có tính đột phá của TP, thể hiện truyền thống “đâu cần thanh niên có, đâu khó có TNXP”.
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: >> Kỳ 3: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận