Cháu Nguyễn Tấn P., 12 tháng, nhà ở Bình Trị Đông, Bình Tân, TP.HCM, được mẹ đưa về quê ngoại ở Mỹ Tho chơi, bỗng nhiên bị mệt, môi tái, quấy khóc liên tục nên mẹ P. vội đưa cháu vào khoa nhi, Bệnh viện Tiền Giang chiều 13-10.
Sau khi khám cho cháu, bác sĩ ghi nhận cháu bị suy tim, nhịp tim rất nhanh trên 170 lần trong một phút, tay chân nổi bóng nước, nên bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh tay chân miệng độ III, là độ nguy hiểm đến tính mạng cháu. Cháu P. được các thầy thuốc tích cực cấp cứu, tiếp hơi, truyền globulin miễn dịch và cấp cứu suy tim cho cháu. Sau ba ngày điều trị, cháu P. đã khỏe, ăn uống được và hết mệt, nhịp tim trở lại bình thường.
Theo chuyên môn, khi siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống rồi vào ruột, siêu vi trùng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều ở các hạch bạch huyết trong ruột, sau đó vào máu rồi tấn công các cơ quan thích ứng với siêu vi này như da, niêm mạc miệng, não, màng não, cơ tim... làm tổn thương các cơ quan trên.
Khi não bị tổn thương, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống đáp ứng viêm, các chất gây viêm sẽ làm rối loạn chức năng của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ tim và mạch máu. Tổn thương tim mạch chủ yếu là sự phối hợp gây hại của các chất gây viêm, một phần có thể do sự tấn công trực tiếp của siêu vi trùng lên tế bào cơ tim. Dấu hiệu của biến chứng tim mạch là bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mệt, tim đập nhanh, tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông..
Khi bé bị bệnh tay chân miệng, gia đình theo dõi tại nhà, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục ≥ 39ºC khó hạ, thở mệt hay thở yếu, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều, giật mình, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê... phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận