12/10/2014 11:00 GMT+7

Bóng ma hạt nhân

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
TRẦN MẠNH - NHẬT HUY

TT - Ba năm rưỡi đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa “3 trong 1” (động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ), nhiễm xạ vẫn là bóng ma lơ lửng trong tâm trí người dân Fukushima.

Phóng viên VN (bìa phải) tác nghiệp tại Bệnh viện Minamisoma - Ảnh: Trần Mạnh
Phóng viên VN (bìa phải) tác nghiệp tại Bệnh viện Minamisoma - Ảnh: Trần Mạnh

Đẹp, sạch sẽ, ngăn nắp và yên bình là cảm giác mà ai cũng có thể cảm nhận được trên đường từ Tokyo đến Fukushima và Minamisoma. Nếu không biết trước, nhiều người sẽ không tin đây là những nơi bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa tháng 3-2011.

Chưa thể quay lại nhà

14g46 (giờ địa phương) ngày 11-3-2011, trận động đất có cường độ 9 độ Richter xảy ra ngoài khơi bờ biển đông bắc Nhật Bản và kéo dài trong vài phút. Đây là trận động đất có cường độ lớn thứ năm trong lịch sử nhân loại từng được ghi nhận, lớn thứ tư trong vòng 100 năm qua trên toàn thế giới và lớn nhất trong lịch sử nước Nhật. Chỉ 14 phút sau động đất, sóng thần bắt đầu tàn phá toàn bộ bờ biển phía đông bắc Nhật Bản. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Iwate, Miyagy và Fukushima. Những con sóng thần cao đến 38,9m đổ vào các thành phố ven biển cuốn theo nhiều người dân, tàu, thuyền, ôtô... Tiếp sau động đất, sóng thần là thảm họa rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhận Fukushima Daiichi.

Thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản năm 2014 cho thấy thảm họa “3 trong 1” này đã cướp đi sinh mạng của 15.889 người, 6.152 người bị thương và 2.601 người mất tích. Ngân hàng Thế giới ước tính tổng thiệt hại về kinh tế mà Nhật Bản phải gánh chịu lên tới 235 tỉ USD, đây là mất mát do thiên tai gây ra lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Phiên trực tại Bệnh viện Minamisoma ngày 11-3-2011 đã giúp nữ y tá 26 tuổi Iuri Masako sống sót, nhưng cả gia đình cô thì không. Bố mẹ và em trai Masako chết vì bị nước cuốn đi khi đang làm việc tại một nông trại ở gần bờ biển. Bà nội cô nằm viện, thoát nạn nhưng lại chết trên đường đến nơi sơ tán sau đó.

Ngôi làng Iitate của Masako trở nên hoang phế sau đại thảm họa, đến nay những người đi sơ tán vẫn chưa ai dám quay về. Masako đã phải uống thuốc và điều trị tâm lý trong nhiều tháng. “Giờ đây, nỗi sợ hãi bởi cô độc còn nặng nề hơn cả chuyện nhiễm phóng xạ”, cô nói.

TP Minamisoma cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chừng 25km đã trở thành một đô thị ma sau khi bị sóng thần nhấn chìm. Trên 1.000 người đã chết và chừng đó ngôi nhà bị phá hủy. Sau đó, cảnh báo hạt nhân vang lên và khoảng 50.000 cư dân trong tổng số 75.000 dân bỏ chạy khỏi TP trong hai tuần.

Giờ đây, đi về phía nam của TP Minamisoma, nơi gần các nhà máy điện hạt nhân, vẫn còn nhiều khu vực được rào chắn và hạn chế xâm nhập.

Đó là những nơi còn nhiễm phóng xạ ở mức cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Có những ngôi làng dù đã được cơ quan chức năng khẳng định an toàn vẫn không một bóng người.

Trong đêm tối, đi hàng chục kilômet qua những ngôi làng này chỉ thấy thấp thoáng những bóng đèn le lói trong màn đêm đen kịt. Đâu đó vẫn còn những bãi tập kết hàng ngàn bao tải đất bị nhiễm xạ được gom lại chờ xử lý.

Chính phủ Nhật Bản nói rằng một số người dân sơ tán có thể chờ năm năm mới có thể về sống trong ngôi nhà cũ của mình, một số sẽ chờ đợi 10 năm và sẽ có những người không bao giờ có thể được phép trở lại.

Nỗi đau còn tiếp diễn

Khi thảm họa xảy ra, Bệnh viện Minamisoma là bệnh viện duy nhất trong khu vực vẫn tiếp tục hoạt động. Lý giải cho quyết định khó khăn và dũng cảm này, TS Tomoyoshi Oikiwa - phó giám đốc bệnh viện - nói bệnh viện sinh ra là để cứu người, là nơi mà người dân tìm đến khi nguy khốn nên họ không có lý do gì để ngừng hoạt động.

Bệnh viện có quy mô 230 giường này khi đó đang có 107 bệnh nhân và phải di tản tới tỉnh Niigata cách đó trên 200km. Trên đường sơ tán, 30% số bệnh nhân đã tử vong. “Chúng tôi gọi đó là những cái chết liên quan đến thảm họa” - ông Tomoyoshi Oikiwa nói.

Thống kê mới nhất tại Minamisoma cho thấy dân số ở tất cả các nhóm tuổi đều giảm do nhiều người không thể quay lại nhà vì bị tàn phá và nhiễm xạ. Còn hiện tại những người trẻ vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi TP để tìm kiếm nơi ở an toàn hơn cũng như nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.

Tỉ lệ trẻ em từ sơ sinh đến 14 tuổi sau thảm họa giảm còn 9% (so với tổng dân số) trong khi con số này trước đó là 13,8%. Tỉ lệ dân trong độ tuổi lao động cũng giảm từ 60,5% còn 57,7%. Trước thảm họa TP có khoảng 75.000 dân nhưng nay chỉ có trên 50.000 người.

Nhưng cơ cấu dân số giảm không phải là vấn đề duy nhất. Ảnh hưởng tâm lý sau thảm họa dẫn đến hàng loạt căn bệnh cho người dân mới là vấn đề dai dẳng, có lẽ sẽ kéo dài hàng chục năm cùng với quá trình phục hồi của TP.

Là một bác sĩ, ông Tomoyoshi Oikiwa thống kê số bệnh nhân của mình hằng tháng và phát hiện số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ tăng so với trước thảm họa. Tỉ lệ người dân bị đột quỵ trên 100.000 dân từ 14,7 người/tháng lên 35,3 người/tháng, tức là những rủi ro liên quan đến thảm họa tăng tới 2,4 lần.

“Xu hướng này vẫn còn tiếp tục cho đến tận ngày nay. Thảm họa vẫn còn tiếp tục”, ông Tomoyoshi Oikiwa nói.

Hằng ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm An toàn môi trường Fukushima đo nồng độ phóng xạ trong từng gốc cây, mẫu đất, mẫu nước - Ảnh: Trần Mạnh
Hằng ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm An toàn môi trường Fukushima đo nồng độ phóng xạ trong từng gốc cây, mẫu đất, mẫu nước - Ảnh: Trần Mạnh

Niềm tin

Một tháng sau khi xảy ra thảm họa, bác sĩ Masaharu Tsubokura, người mới tốt nghiệp ngành dược ở ĐH Tokyo, đã đến Bệnh viện Minamisoma. Nhiệm vụ của ông là kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ của người dân để từ đó xác định các rủi ro giữa việc ở lại và di tản khác nhau như thế nào và nếu ở lại thì phải làm gì để giảm nguy cơ nhiễm xạ.

Ngay lập tức, bác sĩ Tsubokura cùng các đồng nghiệp triển khai chương trình kiểm tra mức độ nhiễm xạ trong cơ thể người. Tuy nhiên, đến đây ông mới té ngửa khi biết vẫn chưa có máy đo liều lượng phóng xạ.

Sau khi biết ở miền đông Nhật Bản có chiếc máy này, nhóm của Tsubokura đề nghị đưa tới Bệnh viện Minamisoma để sử dụng nhưng bị từ chối. Phải mất bốn tháng thuyết phục, chiếc máy mới được đưa về Bệnh viện Minamisoma.

Sau một năm đã có 10.000 lượt người được đo mức độ nhiễm xạ. Tiếp đó, bệnh viện được trang bị thêm hai máy nữa. Ba năm sau thảm họa, tổng số người được kiểm tra là trên 50.000 lượt.

Nhưng kết quả đo được mới bất ngờ: “Trái ngược với nhiều dự đoán trước đó, mức độ phát hiện nhiễm phóng xạ hiện chỉ ở mức 0,01-0,1% và hàm lượng nhiễm xạ trong cơ thể người dân ở Fukushima rất thấp, chỉ bằng 1/10 so với người dân ở Chernobyl” - bác sĩ Tsubokura cho biết.

Các số liệu hiện tại cho thấy mức độ phơi nhiễm phóng xạ đã giảm rất nhiều so với trước và không còn gây ảnh hưởng cho con người nữa. Thế nhưng bất chấp điều đó, người dân tại đây vẫn rất lo lắng cho bản thân và gia đình, nhiều người thậm chí còn mất niềm tin vào chính phủ.

Để góp phần ổn định tâm lý của dân chúng, bác sĩ Tsubokura đã đến nhiều trường phổ thông trong vùng để nói chuyện về tình trạng phóng xạ.

Tsubokura kể rằng ông bị ám ảnh trước những suy nghĩ của học sinh trong vùng mà theo ông càng nặng nề hơn sau ba năm. Các em không còn tin vào những thông tin mà chính phủ cũng như các chuyên gia, bác sĩ đưa ra.

Một số học sinh cấp ba nói với ông rằng 10 năm nữa không biết các em còn khỏe mạnh hay không. Một số khác thì bi quan than thở rằng vài năm nữa sẽ chết vì ung thư!

Và không chỉ mất niềm tin vào chính quyền, người dân Fukushima còn mất niềm tin cả vào những thứ mà họ làm ra, những sản vật từng là niềm kiêu hãnh của nông dân xứ này.

_________

Kỳ tới: Ngậm ngùi hạt gạo Fukushima

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên