Sonya hát được nhiều thể loại và chơi được 3 nhạc cụ - Ảnh: N.TRẦN
Ban đầu tôi chỉ dự định hát tiếng Việt, nhưng càng hát tôi càng mê tiếng Việt và quyết tâm là phải nói được. Tôi biết tiếng Anh, tiếng Nga và từng nói với mẹ như thế là đủ, nếu có lấy chồng nước ngoài thì người đó phải học tiếng nước tôi. Nhưng giờ tôi đã phá vỡ lời hứa bản thân vì tôi yêu Việt Nam.
Sonya
Tràng vỗ tay của khán giả vang lên. Hai cô gái đệm đàn và song ca tiếng Việt bản nhạc Nhật ký của mẹ với chất giọng ngọt như mía lùi.
Du ca từ Á sang Âu
Ít phút sau, họ lại xướng ca khúc Kachiusa như gợi lại miền ký ức về nước Nga khiến những khán giả luống tuổi hát theo hứng khởi. Đôi cô gái du ca này là ai, họ có gì đặc biệt khiến khán giả đường phố phải nhớ nhung, đợi chờ?
Hai năm trước, chúng tôi bắt gặp chị em họ biểu diễn say mê trong vòng vây khán giả TP.HCM. Ít tháng sau lại thấy họ ngược ra Bắc, chơi nhạc giữa đường phố thủ đô. Bẵng đi thời gian, cả hai cho biết đang đi hát ở Hong Kong, lâu lâu lại thấy những đoạn video họ hát hò giữa Kuala Lumpur...
"Tôi đã biết hát trên đường phố từ năm 10 tuổi, giờ tôi đã 26 tuổi" - Sonya vui vẻ kể. Còn em gái cô - Viola (21 tuổi) cũng bắt đầu học nhạc năm 6 tuổi và biểu diễn cùng chị gái từ năm 12 tuổi.
Với hai cô gái đến từ Saint Petersburg này, ngoài ca hát họ còn là diễn viên, người mẫu catwalk trên các sàn diễn Hong Kong. Đồng thời, họ cũng biết kiếm tiền từ nghề rất thời cuộc, đó là làm YouTuber, kênh của họ có tới nửa triệu người theo dõi.
Thực ra, hai cô gái này là con nhà nòi khi cha và anh trai đều là nghệ sĩ du ca. Còn bà và ông nội Sonya cũng chơi đàn piano sành sỏi. Máu âm nhạc cộng với sự phóng khoáng đã kéo họ đến hành trình "du mục" mà đi đến đâu cũng nhận được sự mến mộ.
Hai chị em gái người Nga thể hiện ca khúc Havana - Video: NAM TRẦN
Như hai lần đến VN trước, sự xuất hiện của hai thiếu nữ đậm chất Nga luôn níu chân những du khách vừa nghe nhạc vừa... ngắm ca sĩ duyên dáng.
Lạ lùng thay, hai cô gái tóc vàng này còn biết hát tiếng Việt từ những bài dân ca Bắc Bộ như Bèo dạt mây trôi cho đến những bản "hit" đương đại. Thậm chí, Sonya còn bạo gan phối những bản dân ca Việt để đưa những giai điệu này trẻ trung, gần gũi hơn với âm nhạc đường phố.
Chiếc đàn mandolin của Sonya có một lõm sâu do ngón tay chạm mòn khi đánh đàn. Đó là dấu vết thời gian của cây đàn 13 năm đã cùng cô đi qua những vui buồn ở nhiều quốc gia châu Á lẫn châu Âu. Nếu có cháy, Sonya nói rằng thứ đầu tiên mình ôm chạy đó là cây đàn. Còn với Viola, thứ mà cô xem như vật bất ly thân chính là cây vĩ cầm mà cô đã học chơi từ năm 6 tuổi.
Năm 17 tuổi, Sonya bắt đầu sang London học thanh nhạc với mộng làm ca sĩ. Nhưng cô ngộ ra mình không thuộc về thành phố "xám lạnh" này. Thời điểm đó, em gái cô được mời sang Hong Kong làm người mẫu. Cơ hội hiếm hoi để thay đổi cuộc sống, cô liền "đu theo" em gái và hành trình du ca trên đất Á bắt đầu...
"Bông hồng Nga" giờ đã xem Việt Nam là nhà - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nga là quê, Việt là nhà
Trong dòng người tạo thành vòng cung đắm đuối nhìn hai cô gái Nga hát ca, chàng trai ngồi xe lăn bán hàng rong Nguyễn Minh Tâm dù trước ngực còn cả rổ tăm bông vẫn say mê nghe nhạc. Mưu sinh bên bờ hồ Gươm, Tâm tình cờ gặp và kết giọng ca của hai cô gái rồi xem nhau là bạn. "Sonya nhắn rằng đêm nay cô ấy sẽ hát nhạc phim Aladdin mà tôi và họ mới đi xem tuần trước.
Nên tôi đến sớm, tiếp thêm niềm vui cho hai người bạn hát" - Tâm vừa gõ nhịp nhạc vừa tâm sự. Dù Tâm không biết ngoại ngữ, chị em Viola cũng không sõi tiếng Việt nhưng dường như họ có sự đồng cảm. Họ đã kết thân, thường đi ăn, xem phim sau những đêm diễn.
Để những buổi diễn sinh động, chị em Viola cũng nhận được sự giúp đỡ loa máy của ông Lê Tuấn - một người dưng mà hai cô tình cờ gặp ở Hà Nội.
Những đêm chị em Viola biểu diễn, ông Tuấn đều có mặt hiệu chỉnh âm thanh và ngầm bảo vệ hai cô trước những bất ngờ của thân gái biểu diễn đêm hôm khuya khoắt. Sonya kể ở VN, cả hai mới dám xuống đường hát rong ban đêm vì bên cạnh các cô luôn có những người bạn.
Sonya và Viola trình bày bài Nhật ký của mẹ trong vòng vây khán giả - Video: NAM TRẦN
Như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), dù chỉ mới gặp Sonya một lần, chàng nghệ sĩ sáo trúc Việt đã cảm mến và hỗ trợ hai cô trong suốt thời gian họ ở Sài Gòn.
Nhờ tấm tình đó mà dù như cánh chim rong ruổi khắp Hong Kong, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, hai cô gái lại quyết định sống lâu dài ở VN. Những quốc gia họ đi qua, đàn hát giữa phố quá đỗi bình thường.
Nhưng ở VN thì ngược lại, họ được mọi người say mê lắng nghe và tất nhiên những đồng bạc ủng hộ cũng đủ để họ lo tiền ăn ở. Một điều đặc biệt hơn khiến cả hai mê đắm, đó là nước lá vối và nhân trần. Thức uống dân dã này họ không tìm được đâu trên thế giới, nên chỉ ở lại VN mới có thể uống mỗi ngày.
Ngay sau quyết định sống ở nước Việt, đôi chị em Nga đã thực hiện MV Hello Vietnam như gửi lời chào những người bạn miền nắng gió. Với họ, giờ xứ sở bạch dương là quê hương, VN là nhà.
Sau vài tháng ở VN, cả hai còn làm thêm nghề người mẫu tóc, trình diễn các sô thời trang, chương trình nghệ thuật. Vốn thích xê dịch, hai cô gái Nga sẽ tiếp tục du ca qua những miền đất mới và điểm đến tiếp theo là Sài Gòn...
"Bông hồng Nga" giờ đã xem Việt Nam là nhà - Ảnh: nhân vật cung cấp
Âm nhạc đầy cảm hứng
Vài năm gần đây, làn sóng những người hát rong nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều ở VN, góp phần làm nghệ thuật đường phố Việt thêm sôi động.
Tuy nhiên, để níu chân khán giả với những tràng vỗ tay không ngớt sau mỗi ca khúc như hai chị em người Nga thì rất hiếm. Và điều này chính là ước muốn của hai chị em khi hát ca, đó là mang lại thứ âm nhạc đầy cảm hứng.
Sonya (trái) cùng Viola say sưa hát bên hồ Gươm - Ảnh: NAM TRẦN
"Tôi muốn âm nhạc mang lại tình yêu, hi vọng và cảm hứng cho mọi người. Khi tôi hát bài tiếng Việt tôi yêu mến, những ánh mắt khán giả sáng lên, họ nở nụ cười nhận ra bài hát thân thương của mình. Đó là sự giao cảm vô giá mà âm nhạc đã làm được khiến chính tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và biết ơn" - Sonya hào hứng kể.
Gần đây, cả hai tham gia những chương trình âm nhạc từ thiện gây quỹ cho trẻ em Việt, và đó cũng là điều mà họ mong muốn sẽ làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận