Tối 16-8, Minh Thu (25 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) bật khóc nức nở giữa hàng trăm người ngồi chắp tay tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Vượt quãng đường chừng 60km, đây là lần đầu tiên cô có mặt tại đây vào một dịp lễ đặc biệt.
"Tiếng thuyết giảng của sư thầy hòa trong tiếng nhạc của bài hát Lòng mẹ. Trong giây phút đó, mình nhớ nhiều về những lúc đã làm bố mẹ buồn và thấy hối hận", Thu nói.
Tháng 7 Vu lan báo hiếu, là khi những bông hồng đỏ thắm nở trên áo của những người may mắn còn cha mẹ và những đóa hoa trắng sẽ lặng lẽ trước ngực những ai sớm mất mẹ thiếu cha.
Trên ngực trái bà Nhung (48 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) là một đóa hoa trắng.
Cha, mẹ của bà đều qua đời cách đây chừng 6 năm. Chừng ấy thời gian, bà đều lên chùa dịp Vu lan để thắp hương khấn vái, cầu mong cho họ được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
"Nhìn những ai được đeo hoa đỏ, còn cha mẹ, tôi cảm nhận được rằng họ vui lắm!", bà Nhung nói, đôi mắt bà sáng rực khi nhắc tới những tháng ngày vẫn còn cha, mẹ mình.
Bà Nhung mới dứt lời, cậu cháu trai chừng 8-9 tuổi ngồi cạnh bà đã nhanh chóng lên tiếng: "Con mong mọi ngày đều là Vu lan, để ai ai cũng nhớ hiếu thảo với cha, mẹ mình".
Nhiều trẻ em cũng theo chân cha mẹ, người thân tới chùa - Ảnh: HỒNG QUANG
Những bài thuyết giảng về lòng hiếu thảo cất lên, nhiều người không kìm được nỗi xúc động khi nhớ về đấng sinh thành - Ảnh: HỒNG QUANG
"Bông hồng cài áo" là nghi thức mang tính chất tôn vinh bậc sinh thành, nhắc nhở về tính hiếu hạnh. Trong đó, những đóa hoa trắng sẽ lặng lẽ trước ngực những ai đã mất đi cả cha và mẹ - Ảnh: HỒNG QUANG
Những bông hoa hồng đỏ thắm dành cho những người còn cả cha và mẹ. Đóa hoa nhạt màu hơn sẽ nằm trên ngực áo của những người chỉ còn mẹ hoặc cha - Ảnh: HỒNG QUANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận