Phóng to |
Ông Lê Tấn Thức kể lại vụ việc (ảnh chụp chiều 6-8) - Ảnh: Quang Định |
Ngày 14-5-2010, ông Lê Tấn Thức (80 tuổi, ngụ 8/6 Bà Hom, phường 13, quận 6) phát hiện bị mất giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Sau đó ông mới biết con trai ông là Lê Tấn M.A. do bị nợ nần nên đã lấy giấy tờ nhà đất của ông để thế chấp cho chủ nợ.
Ngày 8-6-2010, ông Thức đến Công an phường 13, quận 6 và Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 để làm đơn cớ mất, yêu cầu trích lục giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất và xin được cấp sổ hồng mới. Theo ông Thức, cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 đã trích lục giấy đăng ký quyền sử dụng đất cho ông nhưng không đề ngày tháng và bảo ông ba năm sau mới được cấp sổ hồng mới.
Không ký, vẫn có hợp đồng ủy quyền
Ngày 13-7-2012, ông Thức bàng hoàng khi thấy nhân viên phường 13, quận 6 đến nhà thông báo căn nhà ông đang ở đã được bán và đăng bộ vào ngày 1-6-2011. Người mua là ông Nguyễn Vị Thúc đến phường yêu cầu cho đóng thuế nên nhân viên phường gặp ông để xác nhận.
Các giấy tờ trích lục tại Phòng Công chứng số 2 cho thấy ngày 28-3-2011, ông Lê Tấn Thức và vợ là bà Mã Thị Huỳnh Anh đã ký một hợp đồng ủy quyền cho con là Lê Tấn M.A. được quyền mua bán, trao đổi, chuyển nhượng... căn nhà số 8/6 Bà Hom. Sau đó ông M.A. bán căn nhà cho ông Nguyễn Vị Thúc. Từ tháng 6-2011 đến tháng 11-2011, căn nhà đã lần lượt bán cho bốn người khác. Ông Thức vô cùng ngạc nhiên và hoang mang khi ông và vợ ông không hề đến Phòng Công chứng số 2 (vợ ông bị liệt nằm một chỗ gần mười năm nay) mà vẫn có hợp đồng ủy quyền? Hiện ông Thức đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Trao đổi với chúng tôi chiều 31-7, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - cán bộ Phòng Công chứng số 2 - cho rằng: “Quy trình công chứng giấy tờ tại văn phòng được tiến hành rất chặt chẽ. Chúng tôi phải kiểm tra chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy hôn thú phù hợp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới công chứng”.
Về việc ông Thức tố cáo rằng ông không ký hợp đồng ủy quyền này, bà Lan cho rằng bà cũng chỉ là... nạn nhân: “Nếu đúng như ông Thức trình bày thì có thể con trai ông Thức đã dùng cách gì đó để lừa chúng tôi”.
Kiểm tra trên hệ thống, bà Lan cho biết: “Ngôi nhà này (8/6 Bà Hom) vẫn chưa được ngăn chặn. Đã qua bốn người mua mà người chủ đầu tiên đến giờ vẫn ở trong căn nhà, việc này chắc có gì đó bất thường”.
Chờ... cơ quan điều tra
Trả lời câu hỏi vì sao ông Thức trình bày đã làm đơn cớ mất, xin trích lục bản đăng ký quyền sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 năm 2010 nhưng phòng không cập nhật vào hệ thống, khiến nhà ông bị mua bán dễ dàng? Một cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 cho biết do cơ quan điều tra đang vào cuộc nên mọi việc phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Ông Thức yêu cầu Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 ngăn chặn việc mua bán căn nhà thì phòng bảo ông phải cung cấp văn bản ngăn chặn của cơ quan điều tra hoặc của tòa án. Ông Thức kêu cứu cơ quan điều tra thì được trả lời đây là sai sót của Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6 nên phòng phải tự ngăn chặn trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng trả lời, căn nhà của ông Thức vẫn chưa được ngăn chặn, không biết có sẽ tiếp tục được chuyển nhượng cho ai nữa?
Có dấu hiệu của tội “lừa đảo” Như thông tin bài báo nêu thì đã có dấu hiệu của tội “lừa đảo”. Ông Thức và bà Anh (chủ sở hữu) là bị hại. Vụ việc có thể giải quyết bằng vụ án hình sự hay dân sự thì quyền lợi của chủ sở hữu cũng được pháp luật bảo vệ. Trong vụ này, các sơ hở của cơ quan chức năng làm cho hành vi lừa đảo được thực hiện. Trước tiên là công chứng viên đã chứng nhận hợp đồng ủy quyền. Nếu ông M.A. đã dùng người nào đó giả làm cha, mẹ mình để qua mặt công chứng viên, thực hiện việc “ủy quyền” và công chứng viên đã không cẩn thận kiểm tra người ký hợp đồng ủy quyền có phải là chủ sở hữu thật hay không (đối chiếu dấu vân tay trên chứng minh nhân dân và trên hợp đồng ủy quyền). Pháp luật công chứng quy định những lỗi như thế thì cơ quan công chứng phải bồi thường cho đương sự nếu có thiệt hại. Đối với Phòng Tài nguyên - môi trường quận 6, lẽ ra không cho phép chuyển quyền sở hữu khi nhận được thông báo mất bản chính giấy chứng nhận. Theo tôi được biết thì không có quy định pháp luật nào nói rằng “sau ba năm kể từ ngày báo mất bản chính chủ quyền thì chủ sở hữu mới được cấp chủ quyền mới”. Thông thường khi nhận được thông tin mất bản chính chủ quyền thì Phòng Tài nguyên - môi trường hướng dẫn làm thủ tục cấp mới chủ quyền, trong thời gian chờ cấp mới phải tạm dừng việc chuyển quyền sở hữu (nếu có). Khi chủ quyền mới được cấp thì ra quyết định hủy bỏ giấy chủ quyền đã mất. Đối với những người mua nhà, rõ ràng ở vụ việc này có chuyện khuất tất. Thông thường người mua nhà sẽ nhận nhà khi việc mua bán hoàn tất, trong vụ này có đến năm người mua bán lại căn nhà này từ tháng 6-2011 cho tới nay mà chưa có ai đến nhận nhà. Đây là vấn đề mà cơ quan điều tra sẽ làm rõ liệu có sự câu kết để “lừa đảo” hay không, và thực chất đây có phải là việc mua bán hay chỉ là một quan hệ nợ nần nào khác? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận