“Ma nhập” không phải made in Việt Nam!
Nhưng ít ai tự nhiên lại bị ma nhập, thường thì họ đã từng trải qua các biến cố như: Bị mất người thân đột ngột, bị phản bội, bị ức hiếp hay hàm oan, bị lạm dụng tình dục, bị mất ngủ kéo dài, nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện game điện tử. Một số người bị ma nhập sau khi đi cầu cơ, áp vong.
Nếu nhờ thầy pháp “trục vong”, thầy sẽ đọc mấy cái “úm ba la cà na xí muội”, rồi dùng roi đánh đen đét cho… hồn ma xuất ra! Kết quả là người bệnh bị đánh đến “má nhìn không ra”, mà ma thì ra hết chưa cũng hổng rõ!
“Ma nhập” không phải là “đặc sản” hay công nghệ độc quyền của Việt Nam đâu. Trên thế giới, có rất nhiều người bị tình trạng này, đến nỗi ngành phân tâm học đặt tên cho hiện tượng này là Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder), hay Rối loạn tách rời nhận thức (Dissociative Identity Disorder).
Rối loạn đa nhân cách là chứng tồn tại nhiều phiên bản nhân cách khác nhau trong một cơ thể con người: Phiên bản nam, phiên bản nữ, phiên bản trẻ con, phiên bản... ma!
Tự ta “sản xuất” ra… ma?
Chúng ta đã biết tâm trí con người có cấu trúc như một tảng băng trôi:
- Phần chỏm nổi trên mặt nước là “ý thức”, gồm những suy nghĩ, cảm nhận về bản thân, cảm giác về mùi vị, màu sắc, về các sự vật xung quanh...
- Kế đến là phần “tiềm thức” nằm liền kề phía dưới mặt nước, đây là phần chứa trí nhớ, kiến thức.
- Phần dưới cùng là phần lớn nhất: “vô thức”. Đây là vùng mà con người không chủ động kiểm soát được, nhưng lại chứa đựng một lượng thông tin khổng lồ, từ thông tin điều khiển các hoạt động thở/đi đứng/phản xạ cho đến những cảm xúc bức bách dồn nén, những ý nghĩ điên rồ được chôn giấu...
Bị “ma nhập” tức là tâm trí con người chỉ hoạt động ở tầng vô thức. Tầng này sẽ nhào nặn những thông tin có sẵn, để sinh ra một “phiên bản nhân cách” mới, một “con ma” siêu-to-khổng lồ có giọng nói, tính cách riêng, tên tuổi riêng. Những hoạt động lúc “ma nhập” xảy ra ở tầng vô thức, nên người ta không nhớ điều gì đã xảy ra với mình trong suốt khoảng thời gian đó.
Trị “ma nhập” ra sao?
Khi bị “ma nhập”, có thể xử lý bằng cách dùng đèn hồng ngoại chiếu vào vùng cổ gáy trong vòng 5 - 10 phút. Đèn hồng ngoại làm ấm, gây giãn mạch tại chỗ, tăng lưu thông máu tại khu vực vùng cổ gáy, và làm thư giãn dây thần kinh. Có thể vỗ tay thật to, vỗ vai, gọi tên người bệnh để họ nhận biết và tỉnh thức. Đừng hùa theo cái “nhân cách ảo”, đừng hỏi “tên gì, chết khi nào, tại sao chết”, vì khi được “mớm kịch bản”, người bệnh sẽ là một diễn viên đóng vai ma xuất sắc!
Đa số người bệnh sẽ trở lại bình thường sau thời gian chiếu đèn. Trong trường hợp vẫn không hiệu quả, thì cần đưa bệnh nhân khám chuyên khoa tâm thần, để bác sĩ có các phương pháp vật lý trị liệu khác, hoặc dùng các thuốc an thần, sau giấc ngủ họ sẽ bình thường trở lại.
Một số liệu pháp điều trị hiệu quả khác, bao gồm tâm lý trị liệu và liệu pháp thôi miên. Người bệnh cần tránh xem các phim giết chóc, tránh nghe nhạc ủy mị khổ đau. Nên chơi thể thao, xem phim hài, có thể dùng tự kỷ ám thị bằng cách thường xuyên nhẩm trong đầu “Tôi vui vẻ, tôi hạnh phúc, tôi yêu đời” để loại bỏ các ám ảnh tiêu cực. Bác sĩ có thể cho uống một số thuốc hỗ trợ các triệu chứng trầm cảm, giảm lo âu, mất ngủ,...
Tuy nhiên, đây là một bệnh dễ tái đi tái lại. Người thân nên tìm hiểu cụ thể bệnh nhân đang bị ám ảnh điều gì, để có thể thấu hiểu và làm chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận