Phóng to |
Món bông điên điển xào tép rong dân dã |
Điên điển là loại cây thân thảo, thân xốp, nhẹ, có khả năng vươn lên theo con nước, mọc hoang ở ven các bờ ruộng, bờ kênh nước ngọt. Đây là loài cây đặc trưng của miền Tây, chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, lại mỏng manh, chóng tàn, khó mang đi xa, vì vậy nhiều người chưa hề thấy cây điên điển bao giờ.
Bông điên điển mọc thành chùm, màu vàng nõn nà, hao hao hoa so đũa nhưng nhỏ hơn nhiều lần, mùi hăng hăng. Sau vài đợt gió chướng mang hơi lạnh, bông điên điển sẽ nở rộ, vàng tươi, mênh mông rập rờn theo sóng nước. Ngồi trên chiếc xuồng ba lá, chèo vào giữa đám điên điển, cô gái chỉ cần dùng cây dầm đập nhẹ vào cành, vào thân cây thì sẽ có vô số bông rớt xuống lòng xuồng. Dùng tay rung nhẹ những cành thấp cũng tha hồ hứng bông. Ngày trước, bông điên điển là món độn để bà con nông dân nấu cháo cầm hơi qua những ngày giáp hạt. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập trong những ngày nước ngập mênh mông.
Bông điên điển là món dân dã, có thể ăn sống, luộc, nấu canh chua, đổ bánh xèo, xào tép, trộn gỏi... mà món nào cũng ngon. Bông điên điển đem về, chỉ mất công tuốt nhẹ để tách rời từng bông đem rửa sạch là đã có món rau sống ăn kèm với cá kho, mắm kho… Nhưng món ăn phổ biến, dễ ăn nhất là canh chua bông điên điển với cá linh.
Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Cá linh đầu mùa tung tăng giỡn nước rất dễ đánh bắt, chỉ cần quăng chài vào chỗ dợn sóng là được trọn một đàn cá ham chơi. Cá linh còn sống, chọn những con vừa phải, cỡ bằng ngón tay, cho vào thau nước muối, cắt bỏ kỳ vây, ngắt hầu moi ruột, không cần đánh vảy để đó. Bắc một nồi nước, cho vào vài trái me non hoặc dạo qua lưng chén cơm mẻ, nêm nếm vừa chua rồi cho cá linh vào.
Cá chín, thả tiếp bông điên điển vào, nhắc xuống cho vài lát ớt hiểm là đã có một nồi canh chua thơm lừng. Gắp con cá linh bụng ngập mỡ, chấm nước mắm trong, cắn thêm trái ớt cay là thấy vị ngon ngọt thấm từng kẽ răng. Cánh bông điên điển mỏng manh, tưởng rằng nấu lên sẽ mất đi độ giòn, nhưng điều lạ kỳ là cánh hoa vẫn giòn ngọt, hơi đăng đắng, chua chua, ngòn ngọt, “bắt cơm” vô cùng. Ngày nay, lẩu chua bông điên điển cầu kỳ hơn một chút. Cũng là nồi nước chua nấu với cá linh, cá rô đang sôi, cho bông điển điển nhưng có thêm vài loại rau của vùng bưng biền như bông súng, khèo nèo, hẹ nước, rau muống, rau nhút…
Phóng to |
Bông điên điển |
Vào những ngày mưa gió, rảnh rỗi các bà các chị hay bày món bánh xèo điên điển để đổi bữa. Bánh được làm rất đơn giản nhưng hương vị lại đậm đà khó quên. Dùng gạo cũ ngâm nước một đêm, hôm sau cho vào cối xay mịn với lượng nước vừa phải, pha với nước cốt dừa, thêm chút bột nghệ vào cho bánh vàng và thơm. Nhân bánh là một ít tép rong trộn chút muối tiêu.
Bắc chảo gang lên bếp, để lửa riu riu. Dùng cọng lá chuối cắt tưa một đầu, rồi chấm mỡ hay dầu thoa đều trên mặt chảo. Đổ bột vào tráng cho tròn và mỏng, sau đó rắc vài con tép lên mặt bánh.
Khi bánh vừa chín thì cho bông điên điển vào, để chừng hai phút cho bánh thật chín và vàng, gập đôi chiếc bánh lại thành hình bán nguyệt rồi xúc ra đĩa. Bánh có mùi thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, tép và mùi hăng hăng đặc trưng của bông điên điển. Cuốn một ít bánh với các loại rau hái vội quanh nhà - nào những đọt cóc, đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, đọt cách hay lá mơ, lá chiếc, lá vông nem… là cả nhà sẽ có một bữa tiệc linh đình, ăn no căng bụng mà không thấy ngán.
Bông điên điển vào mùa nếu ăn không hết, thì làm dưa chua. Chỉ cần ngâm bông đã lặt rửa sạch trong nước vo gạo pha muối, cho vào thạp nhỏ hay vịm, đậy kín bằng lá môn hoặc lá chuối xiêm tươi. Chỉ vài ba ngày sau là đã có một món dưa vừa chua, vừa giòn. Bông điên điển làm dưa chấm với nước cá kho, tôm kho, thịt kho ngon vô cùng, vừa chua chua, mằn mặn, hơi nhân nhẫn, giòn giòn.
Về miền Tây vào mùa nước nổi, quả là hạnh phúc cho những ai được nếm vài món ăn dân dã, mộc mạc bằng bông điên điển để cảm được câu hát “Ăn bông điển điển, nghiêng mình nhớ đất quê…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận