Tuy trách nhiệm của HLV Philippe Troussier là không thể chối cãi, nhưng bóng đá Việt Nam muốn trở lại vị thế trước đây cần phải có những thay đổi. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia và người hâm mộ bóng đá Việt Nam:
HLV Nguyễn Đức Thắng (Thể Công - Viettel):
Không đào tạo tốt cầu thủ trẻ, đừng mơ mục tiêu cao
Do mục tiêu chúng ta đặt quá cao khi ký hợp đồng với HLV Troussier, thời gian thực hiện ngắn, nên khi không thực hiện được, mọi người rơi vào thất vọng. Vì vậy buộc phải làm lại từ gốc là nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ. Đồng thời phải lựa chọn HLV phù hợp để nâng tầm khả năng hiện có của các cầu thủ Việt Nam. Đó là điều rất quan trọng. Vị tân HLV phải làm sao khơi gợi lại tinh thần chiến đấu cho các cầu thủ, nhất là các cầu thủ giỏi.
Bóng đá Việt Nam không có sự ổn định từ gốc. Đa số các CLB đều không có hệ thống đào tạo trẻ đủ tốt thì làm sao mơ đến những mục tiêu cao như dự World Cup. Đào tạo trẻ phải có tính liên tục và tính xuyên suốt. Bóng đá Tây Ban Nha, Đức, thậm chí là Pháp, sau thời gian đỉnh cao cũng đi xuống. Hệ thống đào tạo trẻ của người ta tốt mà thành tích đội tuyển có lúc còn đi xuống huống hồ Việt Nam không có nền móng tốt trong đào tạo trẻ.
Các CLB, các trung tâm đào tạo trẻ tốt có nhiều cầu thủ trẻ thi đấu ở V-League, đội tuyển Việt Nam mới có thành tích tốt. Nhưng thời điểm này có bao nhiêu CLB có cầu thủ trẻ thi đấu hoặc thường xuyên góp mặt ở đội hình chính thức ở V-League? Có thể nói là rất ít. Như vậy làm sao tạo nên một đội tuyển quốc gia mạnh?
Nhiều người cho rằng các CLB sử dụng chân sút ngoại quá nhiều đã lấy mất cơ hội thi đấu của các chân sút nội. Nhưng đây là xu hướng hòa nhập. Nếu chúng ta muốn đóng cửa, không muốn phát triển thì dùng cầu thủ nội. Nhưng khi đó cầu thủ nội có đáp ứng được yêu cầu của CLB không? Vì suy cho cùng CLB là nơi nuôi dưỡng tài năng, mà muốn vậy phải có thành tích. Có thành tích thì người ta mới đầu tư.
Chúng ta có thể nhìn sang Thái Lan. Họ vẫn sản sinh ra các tiền đạo tốt dù CLB ở Thai League có 5 ông Tây thi đấu cùng 1 cầu thủ châu Á và 1 cầu thủ Đông Nam Á. Vì vậy, theo tôi, phải đào tạo và đào tạo tốt thì mới cạnh tranh được. Làm tốt điều này bóng đá Việt Nam sẽ lấy lại vị thế đã mất.
Cựu tuyển thủ Trần Công Minh:
Tự chủ tài chính cho CLB
Nhân tố mới chúng ta có, nhưng cần phải đưa những tài năng trẻ này vào từng giải đấu thích hợp để họ dần trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong việc làm nên đội tuyển mạnh. V-League hiện tại dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn chưa có bước tiến dài để đội tuyển có thể hưởng lợi. Muốn thay đổi tốt hơn, nó phụ thuộc vào tài chính của các CLB để có thể quy hoạch nền tảng bài bản, có đầy đủ cơ sở vật chất và con người để đào tạo ở từng lứa trẻ.
Cách làm ai cũng biết, nhưng không có tài chính thì không làm được. Ở Việt Nam, bóng đá chưa tự thân nuôi sống mình được nên phải nhờ vào sự trợ lực của các nhà tài trợ. Nhưng không phải CLB nào cũng có nhà tài trợ lớn và không phải nhà tài trợ nào cũng gắn bó lâu dài. Vì vậy tìm phương án tự chủ tài chính cho CLB là điều phải được đẩy mạnh.
Chuyện tiền đạo ngoại tràn ngập V-League cũng là điều bình thường. Trong cuộc chơi phải chấp nhận sự cạnh tranh. Ngoại binh đến với bóng đá Việt Nam cũng mang đến nhiều điều về chuyên môn để cầu thủ Việt Nam học hỏi. Cầu thủ mình nếu yêu nghề thật sự thì cạnh tranh với ngoại binh không khó. Vấn đề là phải cố gắng tập luyện để khi có cơ hội thì nắm bắt ngay.
HLV Phan Thanh Hùng:
Cần định hướng trong thuê HLV mới
VFF cần có định hướng trong việc chọn HLV mới khi cửa đi tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 là rất hẹp. HLV thay thế nên là người có kinh nghiệm và trình độ. Đồng thời nên có lối chơi phù hợp hơn để kết hợp các thế hệ cầu thủ cùng nhau. Nếu sử dụng cầu thủ trẻ thì họ phải có quá trình chứng minh khả năng chuyên môn, đồng thời có khả năng kết nối với lứa đàn anh.
Về đào tạo trẻ, hạn chế của bóng đá Việt Nam là nguồn tài chính của các CLB lại không như nhau nên chất lượng đào tạo trẻ ở các CLB mỗi nơi một khác. Không có nhiều trung tâm đào tạo chất lượng, chúng ta không có nhiều nguồn cung nhân sự tốt cho đội tuyển quốc gia.
Chuyên gia Phan Anh Tú:
V-League cần sự ổn định
Sự bất ổn của V-League cũng ảnh hưởng đến chất lượng đội hình ở tuyển Việt Nam. Không chỉ lịch thi đấu thay đổi theo FIFA, hàng loạt cầu thủ cũng thay đổi CLB, HLV đến và đi hàng loạt. Điều này khiến có giai đoạn Hùng Dũng, Hoàng Đức hay Quang Hải mất thời gian dài để tìm lại phong độ.
Ngoài ra, sự bất ổn còn đến từ việc hàng loạt CLB ở V-League đổi tên, đổi chủ, đổi HLV vì tình hình tài chính và nhiều lý do khác. Cầu thủ vừa đến thì CLB lại đổi HLV, cách chơi bóng chưa quen với người này đã phải chào người mới. Muốn phát triển bền vững, chúng ta phải thay đổi điều này.
Việc các ngoại binh thi đấu nhiều ở hàng công có hai mặt. Nó giúp các cầu thủ phòng ngự chúng ta tiến bộ nhưng ngược lại khiến các tiền đạo ít được thể hiện hơn.
CĐV Phan Đình Long - Hội CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) miền Bắc:
Nâng chất lượng V-League
Một đội tuyển mạnh cần một giải đấu quốc gia mạnh. Muốn vậy V-League phải có nhiều trận đấu chất lượng, đối kháng quyết liệt cho cầu thủ tiến bộ, đồng thời giúp HLV tuyển chọn được nhiều cầu thủ giỏi.
Hiện tại V-League vẫn còn tồn tại nhiều đội bóng có chung một ông chủ hay mối liên hệ với nhau khiến việc thi đấu không thật sự quyết liệt. Nhiều lúc chúng tôi xem trong sự chán nản và bức xúc nhưng lại chẳng làm gì được. Bên cạnh đó nhiều CLB thi đấu không có mục tiêu, chỉ trụ hạng là được, nên việc tìm kiếm cầu thủ chất lượng sẽ rất khó.
Các CLB cần trao cơ hội cho các chân sút nội nhiều hơn ở V-League. Ngoài Phạm Tuấn Hải, các chân sút còn lại của tuyển Việt Nam hiện tại đều ít được thi đấu ở CLB hoặc có được vào sân thì phải thi đấu trái sở trường để nhường chỗ cho các tiền đạo ngoại. Vì vậy khi lên tuyển, các chân sút nội đều không chơi tốt. Do đó, chúng tôi mong được thấy các chân sút nội được thi đấu nhiều hơn ở V-League.
Hệ lụy có thể kéo dài nhiều năm tới
Những thất bại liên tiếp ở Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026 khiến bóng đá Việt Nam có thể hứng chịu hệ lụy kéo dài nhiều năm tới.
Hai trận thua liên tiếp trước Indonesia khiến tuyển Việt Nam gần như hết cơ hội tranh vé vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á.
Khó khăn vì thứ hạng FIFA thấp
Nếu điều này xảy ra, tuyển Việt Nam sẽ rớt xuống thi đấu ở vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027. Theo đó, tuyển Việt Nam sẽ cùng 23 đội bóng khác được chia vào 6 bảng đấu (mỗi bảng 4 đội). Và khó khăn nằm ở chỗ: vòng loại thứ 3 chỉ có đội đầu bảng mới giành vé dự Asian Cup 2027. Tuyển Việt Nam hứa hẹn sẽ không dễ đoạt vé bởi sẽ có khá nhiều đội bóng mạnh rớt đài sau vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Lúc này, tuyển Việt Nam chỉ có thể trông chờ vào kết quả bốc thăm có lợi. Nhưng ngay cả kỳ vọng này cũng sẽ rất chông gai.
Theo Footy Ranking, trận thua 0-3 trước Indonesia trên sân Mỹ Đình khiến tuyển Việt Nam bị trừ 14,67 điểm. Như vậy, tuyển Việt Nam sẽ bị trừ tổng cộng 30,4 điểm sau hai trận thua trước tuyển Indonesia (bao gồm trận lượt đi tại Jakarta hôm 21-3). Theo dự đoán của Footy Ranking, tuyển Việt Nam sẽ tụt 10 bậc trên bảng xếp hạng FIFA, từ 105 xuống 115 thế giới. Đây là thứ hạng thấp nhất của tuyển Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Với nhiều người, bảng xếp hạng FIFA chỉ có giá trị tham khảo. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Hiện nay, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tiến hành phân chia giải đấu dựa trên bảng xếp hạng FIFA. Điều đó có nghĩa thứ hạng càng thấp sẽ càng bất lợi. Cụ thể, với hạng 115 thế giới, Việt Nam sẽ rơi xuống nhóm 3 các đội tuyển quốc gia ở châu Á. Khi bốc thăm chia bảng một giải đấu, tuyển Việt Nam sẽ phải đối mặt với hai đội bóng mạnh và cánh cửa đi tiếp luôn rất khó khăn.
Thử thách ở vòng loại 3 Asian Cup 2027
Trước đây tuyển Việt Nam đứng trong nhóm 2 của bóng đá châu Á (top 100 thế giới) nên khi bốc thăm luôn có lợi. Điều này do tuyển Việt Nam chỉ phải gặp một đội bóng mạnh, tránh được các đối thủ có đẳng cấp nhỉnh hơn hoặc ngang bằng (họ cũng nằm ở nhóm hạt giống số 2).
Nếu không vượt qua được vòng loại thứ 2 World Cup 2026, thứ hạng tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và vòng luẩn quẩn rơi vào các bảng đấu nặng sẽ lặp lại trong nhiều năm. Đây là vấn đề mà Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang hứng chịu và không dễ gì để thoát ra. Bóng đá Việt Nam có thể sẽ quay lại thời kỳ trước đây, bước ra sân chơi lớn là tự ti và nhiều khả năng thất bại. Mọi chuyện hoàn toàn không chỉ nằm ở năng lực của đội tuyển mà còn do độ khó từ đối thủ.
Tại vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027 (nếu Việt Nam không vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026), nhiều khả năng tuyển Việt Nam chỉ nằm ở nhóm hạt giống số 2. Khi đó, chúng ta chắc chắn phải đối đầu với một đối thủ mạnh. Vì vậy, khả năng giành vé dự Asian Cup 2027 không còn là câu chuyện dễ dàng như những năm trước.
Ảnh hưởng lớn đến vị thế
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích trong các giải đấu tiếp theo, thứ hạng FIFA còn là cơ sở để đánh giá nền bóng đá. Nếu hạng thấp trên bảng xếp hạng FIFA, vị thế của bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế sẽ rất kém.
Khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề hợp tác giữa LĐBĐ VN và các liên đoàn khác, sự tín nhiệm của AFC. Và sức nặng của những lời mời thi đấu giao hữu cũng sẽ bị suy giảm. Khi đó, việc mời các đội bóng mạnh thi đấu giao hữu sẽ khó hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận