TTCT - “Chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình để bảo vệ danh dự tổ quốc”. Đó là câu cuối trong một đoạn tuyên thệ dài thượt mà ngày 7-9, HLV người Ý Marcelo Lippi cùng các tuyển thủ Trung Quốc hô vang dưới quốc kỳ trong buổi lễ xuất quân trước thềm vòng loại World Cup 2022. Lippi không còn lại gì nhiều ngoài tuổi già và danh tiếng quá khứ. Ảnh: cgtn.com Chỉ một ngày sau đó, cộng sự của ông Lippi - một HLV lừng danh khác: Guus Hiddink, người Hà Lan, cam chịu thất bại cùng đội U22 Trung Quốc trước U22 Việt Nam. Chỉ là một trận giao hữu, nhưng đó lại là giọt nước tràn ly chịu đựng với những người Trung Quốc hâm mộ bóng đá. Lời “tiên tri” của Fan Zhiyi Thất bại 0-2 của U22 Trung Quốc trước VN gợi nhớ đến một trận thua muối mặt khác của bóng đá Trung Quốc cách đây 6 năm. Tháng 6-2013, tuyển Trung Quốc (khi đó được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Tây Ban Nha Jose Camacho) thua thảm Thái Lan 1-5 trong một trận giao hữu. Ngay lập tức, ông Camacho bị sa thải. Bóng đá Trung Quốc thì mở ra một thời kỳ đen tối. Ngay sau thất bại trước Thái Lan, Fan Zhiyi (Phạm Chí Nghị), cựu danh thủ lừng lẫy một thời từng chơi bóng ở Anh, đã giận dữ chỉ trích giới lãnh đạo bóng đá Trung Quốc: “Nếu bóng đá Trung Quốc không chịu thay đổi, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ bị VN vượt mặt”. 6 năm, lời “tiên tri” đang trở thành sự thật. Xin cũng đừng lấy làm bực dọc về lời nói của Fan Zhiyi, vì bóng đá Đông Nam Á xưa nay vẫn bị xem là vùng trũng của châu lục. Nói đâu xa, ở thế hệ Lê Huỳnh Đức, VN thường dưới cơ Trung Quốc hoàn toàn, từng thua 1-3 ngay trên sân Thống Nhất, và ngay cả tỉ số đấy đã được coi là “thành công”! Nhưng bây giờ, trong lúc Thái Lan và VN đã tiến bộ không ngừng, thì bóng đá Trung Quốc ngày càng thụt lùi ở mọi cấp độ. Những thất bại liên tục dường như đang khiến các lãnh đạo bóng đá Trung Quốc mất phương hướng. Họ có hàng loạt quyết định bổ nhiệm cực kỳ khó hiểu ở đội tuyển quốc gia lẫn đội trẻ. Ở vòng loại World Cup 2018, họ bất ngờ sử dụng một HLV nội, cựu danh thủ Gao Hongbo (Cao Hồng Ba). Kết quả, ông Gao phải ra đi chỉ sau 4 vòng đấu. Đến lúc này, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) mới quáng quàng tìm kiếm một HLV tên tuổi, và người được chọn là Lippi lừng danh. Nhưng rồi những mộng tưởng với Lippi cũng sớm tan thành mây khói. Tỉ lệ chiến thắng của Trung Quốc trong 3 năm dưới thời Lippi chỉ là 33%, thấp nhất so với các đời HLV tính từ năm 1983. Chia tay Lippi, Trung Quốc mời về... học trò cưng của Lippi, cựu danh thủ Fabio Cannavaro. Chẳng có kinh nghiệm đáng kể nào trên băng ghế HLV, nên không có gì ngạc nhiên khi Cannavaro cũng sớm bật bãi. Bóng đá Trung Quốc túng quẫn đến mức phải mời... Lippi về lại. Ở cấp độ U23 thì là Hiddink. Trong mớ bòng bong đó, kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 của Trung Quốc chỉ có một thế mạnh duy nhất: tiền! Với mức lương 28 triệu USD/năm (sau thuế), Lippi là HLV đội tuyển quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới. Ngay cả Hiddink tuy chỉ dẫn dắt đội U23 nhưng vẫn nhận mức lương 4,7 triệu USD/năm, cao hơn cả Joachim Low (tuyển Đức) hay HLV đương kim vô địch thế giới của tuyển Pháp Didier Deschamps. Tiến Linh, người 2 lần buộc thủ môn Trung Quốc vào lưới nhặt bóng ngay tại Vũ Hán. Ảnh: VFF Có gì ngoài tiền? Bóng đá Trung Quốc thực sự không có gì ngoài... tiền. Kể từ khi kế hoạch cải tổ bóng đá Trung Quốc ra đời giai đoạn 2013-2014, Trung Hoa đại lục liên tục khuynh đảo thế giới túc cầu bởi những phi vụ bom tấn ở Giải vô địch quốc gia China Super League (CSL). Năm 2013, các đội bóng Trung Quốc chi ra 106 triệu USD mua sắm cầu thủ, đa phần là những ngôi sao từ châu Âu và Nam Mỹ. Con số đó cứ tăng chóng mặt từng năm: 2014 là 161 triệu, rồi 461 triệu mùa 2015, 600 triệu mùa 2016. Trước cơn lạm phát dữ dội, giới điều hành phải ra tay tìm cách giới hạn sự hoang phí của các đội bóng được những doanh nghiệp khổng lồ mới phất lên tài trợ. Nhưng mùa 2017, CSL vẫn tiếp tục chi ra 193 triệu USD mua cầu thủ, rồi đến năm 2018 là 308 triệu. Nhưng tiền có giúp nâng vị thế bóng đá Trung Quốc? Câu trả lời cho đội tuyển quốc gia đã có, còn với hệ thống các giải đấu nội địa, nó vẫn còn khá mơ hồ. Bản quyền truyền hình CSL quả đã tăng giá gấp nhiều lần so với trước cải cách. Lượng CĐV đến sân cũng ngày một đông. Nhưng những khoản lợi ích đó vẫn chưa đủ để bù đắp cho dòng tiền chi ra. Mùa giải nào, các CLB Trung Quốc cũng lỗ nặng trong chuyện mua và bán cầu thủ. Điển hình như ở mùa 2016, họ chi ra 600 triệu USD mua cầu thủ nhưng chỉ thu về 162 triệu USD theo chiều ngược lại. Xét trong 5 năm qua, thực chi của các CLB CSL cho thị trường chuyển nhượng là hơn 1,2 tỉ USD. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tổng giá trị cầu thủ của toàn bộ giải đấu, theo Transfermarkt, chỉ vào khoảng 570 triệu USD, tức các CLB Trung Quốc đã mua các ngôi sao ngoại với giá đắt hơn gấp 2 lần. Về mặt kinh tế, CSL giống một tập đoàn làm ăn ngày càng thua lỗ! Chuyển nhượng chỉ mới là một phần của bóng đá Trung Quốc. Các khoản tiền lương càng là một món lỗ nặng hơn. Một ví dụ là Carlos Tevez, cầu thủ Argentina đã hết thời, nhận lương 42 triệu USD/năm tại Shanghai Shenhua (Thượng Hải Thân Hoa), một bản hợp đồng thất bại hoàn toàn: anh chỉ ghi được 4 bàn trong 20 trận ra sân cho Shenhua năm 2017. Không chỉ đá tệ, Tevez còn gây đủ thứ rắc rối cuối cùng bỏ về Argentina giữa chừng. 42 triệu USD coi như ném qua cửa sổ. Sai từ phương hướng Kế hoạch cải tổ của bóng đá Trung Quốc ngoài việc đầu tư cho đội tuyển và giải vô địch quốc gia còn một mục quan trọng khác: xây dựng các học viện. Vài năm qua, truyền thông Trung Quốc tỏ ra rất hồ hởi, lạc quan về kế hoạch “50 học viện, 2.500 cầu thủ ưu tú” - một kế hoạch dự kiến tiêu tốn hàng tỉ USD. Nhưng có nhiều lý do để nghi ngờ khả năng thành công của bóng đá trẻ Trung Quốc. Theo các chuyên gia châu Âu, có nhiều học viện không đồng nghĩa với việc cho ra lò những thế hệ cầu thủ tài năng. “Ở Anh có khoảng 30.000 CLB nghiệp dư, nhưng ở Trung Quốc thì không, họ gần như không có cơ sở hạ tầng cho bóng đá nghiệp dư. Bóng đá đỉnh cao châu Âu hay châu Mỹ luôn phải gắn với bóng đá phong trào, các trường học, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, tổ chức dân sự... Một đội bóng là mô hình kim tự tháp, với các ngôi sao trên truyền hình chỉ là phần đỉnh. Người Trung Quốc chỉ chăm chăm xây cho phần đỉnh” - Rowan Simons, một nhà đầu tư thể thao từng làm việc ở Trung Quốc, nhận định. Quan điểm “có tiền là có tất cả” là lệch lạc trong nhiều vấn đề, bao gồm bóng đá. Những mức lương choáng ngợp rốt cuộc chỉ làm giàu cho các cầu thủ và HLV tuy tên tuổi từng lẫy lừng nhưng đã hết thời. Hiddink và Lippi hiện đều đã ngoài 70 và “thất nghiệp” suốt 2 năm trời trước khi đến với tuyển Trung Quốc. Trong một thế giới bóng đá mà những HLV giỏi nhất đang ở lứa tuổi trên dưới 50, thì việc đặt niềm tin đào tạo trẻ vào Hiddink (72 tuổi) thật sự là khó hiểu.■ Tags: Bóng đá Trung QuốcTiềnLippiFan Zhiyi
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.