Trọng trách phục hưng bóng đá Trung Quốc đang đè nặng lên vai những cầu thủ như Wu Lei (7) - Ảnh: CGTNui
Cuối năm 2021, giới chức thể thao Trung Quốc làm ngỡ ngàng cả giới truyền thông khi đưa ra quy định cấm các tuyển thủ quốc gia xăm mình.
Cải tổ bắt đầu từ... hình xăm?
Bóng đá Trung Quốc thật ra đã áp đặt quy định này một cách bất thành văn từ khoảng 3 năm qua. Theo đó, các cầu thủ có hình xăm khi lên tuyển sẽ phải mặc áo tay dài để không lộ những hình xăm ở cánh tay.
Nhưng việc cấm triệt để hình xăm đã khiến câu chuyện trở nên gắt gao một cách không cần thiết, bởi hiện nay việc cầu thủ xăm hình là quá đỗi bình thường.
Zhang Linpeng - trung vệ trụ cột từng có 88 lần ra sân cho tuyển Trung Quốc - có hình xăm trên cổ và chi chít khắp cánh tay. Anh vẫn được triệu tập vào danh sách thi đấu cho 2 trận đấu sắp tới. Nhưng mọi người cũng chưa rõ Zhang sẽ làm thế nào với những hình xăm của mình.
Vài ngày trước, báo South China Morning Post (SCMP) đăng tải một bài viết chi tiết về yếu tố "lịch sử" của lệnh cấm này. Theo đó, SCMP giải thích rằng trong quá khứ hình xăm là đại biểu cho tội nhân ở Trung Hoa. Mặt khác, người Hán cũng có định kiến về việc xăm mình.
Phục hưng giá trị truyền thống
Khoảng 7 năm trước, bóng đá Trung Quốc gia nhập làn sóng toàn cầu hóa của làng bóng đá. Các CLB ồ ạt vung tiền mua cầu thủ nước ngoài, các học viện bóng đá được thành lập rồi giao phó cho những HLV đến từ châu Âu, Nam Mỹ... Các cầu thủ nhập tịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhưng từ hơn một năm nay, mọi chuyện đã thay đổi đột ngột. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) nhận ra rằng cách "Tây hóa" quá mức của các CLB hại nhiều hơn lợi và bắt đầu siết chặt việc mua ngoại binh.
Các CLB bị áp đặt mức lương trần, buộc lòng phải chia tay những siêu sao ngoại binh. Những HLV tên tuổi như Marcelo Lippi, Guus Hiddink cũng lũ lượt rời đi, trao trả lại chiếc ghế cho những HLV bản địa. Và quy định cấm hình xăm cũng chỉ là một nước đi trong quá trình phục hưng những giá trị truyền thống của bóng đá Trung Quốc.
Nói về xu hướng mua cầu thủ ngoại, Trung Quốc đi sau Mỹ và các nền bóng đá Ả Rập. Họ phóng tay ồ ạt để mong sớm vượt qua và rồi cũng chóng đổ vỡ. Nhưng giờ đây, khi bóng đá Trung Quốc co về trong lớp vỏ bọc "truyền thống", không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tăng sức ép lên cầu thủ
Lịch sử Olympic cho thấy các VĐV Trung Quốc rất giỏi trong những môn thể thao đề cao khổ luyện như điền kinh, bơi lội, cử tạ... nhưng lại không đạt trình độ tương xứng ở những môn thể thao đồng đội.
Bóng đá là một môn thể thao đồng đội tiêu biểu, nơi luôn có chỗ cho những cầu thủ phóng túng, ồn ào (thậm chí vô kỷ luật) nhưng lại tài hoa và giàu sức sáng tạo. Trói buộc nặng nề vào khuôn khổ kỷ luật quá mức đôi lúc chỉ tạo nên sức ép, dẫn đến phản tác dụng.
Marcelo Lippi có lẽ vẫn chưa thể quên buổi tuyên thệ đặc biệt mà ông và các cầu thủ Trung Quốc tham gia năm 2019, trong buổi lễ xuất quân trước thềm vòng loại World Cup 2022. Đây là trải nghiệm đặc biệt của HLV Lippi. Giờ đây, các học trò cũ của ông Lippi đang đi đến giai đoạn cuối cùng của chiến dịch đó.
Nhưng với 5 điểm sau 6 trận (đứng áp chót bảng B) cùng cuộc cải tổ toàn diện và cả quy định về hình xăm, bóng đá Trung Quốc buộc phải chấp nhận sự thật rằng chiến dịch đó đã sớm kết thúc để mở màn cho một kế hoạch mới - một kế hoạch hướng về nguồn cội.
Nội bộ tuyển Trung Quốc dậy sóng
Trong danh sách triệu tập lần này có ba cầu thủ nhập tịch của tuyển Trung Quốc là bộ đôi tiền đạo gốc Brazil Alan - Aloisio cùng trung vệ gốc Anh Tyias Browning.
Sự cố xảy ra với Aloisio và Alan khi họ bay từ Brazil đến Trung Quốc và phải quá cảnh tại Hà Lan. Chuyến bay tiếp theo bị hoãn gần 24 tiếng và cả hai phải nằm vạ vật ở sân bay để chờ đợi. Aloisio sau đó tức giận chỉ trích CFA là "thiếu tôn trọng". Điều này càng làm tăng thêm sự căng thẳng giữa những cầu thủ nhập tịch với bóng đá Trung Quốc.
Sau 8 năm chơi bóng ở Trung Quốc, Aloisio hiện đang thất nghiệp sau khi bị CLB Guangzhou Evergrande chấm dứt hợp đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận