Bóng đá tấn công lên ngôi

HUY ĐĂNG 23/06/2024 09:06 GMT+7

TTCT - Đức đá tấn công, Thụy Sĩ đá tấn công, Đan Mạch, Slovenia và cả Romania cũng đá tấn công… Euro 2024 đã mở màn với những đại tiệc bàn thắng.

4 trận đấu đầu tiên của hai bảng A và B ghi nhận tổng cộng 16 bàn thắng.

Đội yếu cũng tấn công

Cơn mưa bàn thắng cũng có khi tạm lắng xuống và không phải mọi đội bóng đều ra sân với tâm thế tấn công ồ ạt. 

Điển hình là tuyển Anh, ngay sau bàn thắng khá sớm vào lưới Serbia, các học trò của HLV Gareth Southgate đã lùi xuống chơi phòng ngự bảo toàn tỉ số. Màn trình diễn đó bị chỉ trích dữ dội khi tuyển Anh năm nay là tập thể đắt giá nhất trong lịch sử các kỳ Euro.

Musiala là đại biểu cho thế hệ bóng đá trẻ của Đức. Ảnh: REUTERS

Musiala là đại biểu cho thế hệ bóng đá trẻ của Đức. Ảnh: REUTERS

Nhưng đó gần như là vết gợn duy nhất về tinh thần thi đấu. Một ngày sau trận thắng nhọc nhằn của Anh, Bỉ bại trận 0-1 trước Slovakia, trở thành đại gia đầu tiên ngã ngựa ở Euro. 

Nhưng Bỉ không chơi quá tệ, họ tấn công ào ạt cả trận nhưng không ghi được bàn nào vì sự vô duyên kỳ lạ của chân sút chủ lực Romelu Lukaku.

Rất nhiều đội bóng bước vào Euro 2024 với tâm thế chơi tấn công. Đức đá đẹp mắt với bộ đôi tiền vệ tấn công Jamal Musiala - Florian Wirtz, Hà Lan và Ý phản ứng nhanh nhạy sau khi bị dẫn trước, Tây Ban Nha cũng từ bỏ phong cách kiểm soát bóng lằng nhằng thường thấy để chơi tấn công trực diện. 

Cả Thụy Sĩ, đội bóng nổi tiếng chơi phòng ngự chặt chẽ, cũng chọn cách đá phóng khoáng khi chạm trán Hungary.

Thú vị hơn cả là những đội ngựa ô đến từ Đông Âu. Slovenia đã chơi đôi công với Đan Mạch trong cả hiệp 2, còn Romania và Slovakia khiến trật tự đảo lộn ở bảng E vì lối đá tưng bừng đầy bất ngờ. 

Trong trận thắng Bỉ 1-0, Slovakia tung ra hơn 10 cú dứt điểm, thực hiện 13 đường căng ngang, đá tận 7 quả phạt góc… Đó là lối đá trực diện mạnh mẽ thường gắn liền với những đội bóng giàu tốc độ như Anh, Pháp hay Hà Lan.

Thật ra, chính những đội bóng có hàng tấn công hùng mạnh nhất lại đang chơi chặt chẽ ở Euro. Tuyển Anh tìm cách ru ngủ đối phương trong trận thắng Serbia, còn Pháp chỉ chăm chăm chơi phản công sau bàn thắng may mắn trước Áo. 

Tất nhiên, một phần lý do của lối chơi đó là sức ép quá lớn, cũng như sự đề phòng của đối thủ. Khi Anh chọn lối chơi chặt chẽ, Serbia cũng chẳng dâng cao tấn công. Họ có vẻ chấp nhận thua 0-1 trước đội mạnh nhất bảng.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Nguồn cảm hứng từ người Đức

Những bữa tiệc hấp dẫn của Euro 2024 được mở đầu từ màn ra quân tưng bừng của tuyển Đức chủ nhà. Các học trò của HLV Julian Nagelsmann đã tung ra tổng cộng 20 pha dứt điểm, và ghi được 5 bàn thắng từ năm cầu thủ khác nhau. 

Thậm chí cả những chân kiến tạo cũng khác nhau. Có tổng cộng 10 cầu thủ Đức tham gia vào đại tiệc bàn thắng trên sân Allianz Arena khuya 14-6 và người mở màn là Wirtz.

Năm nay mới 21 tuổi, Wirtz cùng đồng đội cùng tuổi Musiala là hai trong 10 ngôi sao bóng đá đắt giá nhất thế giới hiện nay. 

Họ có lối chơi gần tương tự nhau, rê dắt tốt, chuyền bóng giỏi, giàu tốc độ, sút xa tốt, thường xuyên xộc thẳng vào vòng cấm địa và có tư duy chơi bóng xứng đáng với vai trò "số 10". Musiala giàu kỹ thuật hơn, còn Wirtz dứt điểm đa dạng hơn. Bộ đôi này chính là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ mới của bóng đá Đức.

Đội tuyển quốc gia Đức đã gây thất vọng liên tiếp từ năm 2018 đến 2022, nhưng không phải vì vậy mà làng bóng đá có thể xem thường họ. Trái lại, Đức đang cạnh tranh quyết liệt với Anh, Pháp và Tây Ban Nha cho vị thế "nền bóng đá lớn nhất thế giới". 

Theo kết quả điểm hệ số giải đấu của châu Âu (UEFA coefficient ranking), Đức đã vượt mặt cả ba nền bóng đá này để cùng Ý giành thêm suất dự Champions League vào mùa giải tới - mùa giải UEFA có những thay đổi cách mạng với giải đấu hấp dẫn nhất châu lục. 

Kết quả này đến từ thành tích lọt vào chung kết cả hai giải Champions League (Dortmund) và Europa League (Leverkusen) của các đại diện Bundesliga mùa vừa rồi.

Nhưng không chỉ kết quả thi đấu, còn một thống kê khác khiến bóng đá Đức có thể tự hào. Lượng khán giả trung bình mỗi trận của Bundesliga mùa rồi là 42.992, cao nhất châu Âu. Kế đến là Premier League (40.236), rồi mới đến La Liga (29.584). 

Con số này đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp Bundesliga dẫn đầu châu Âu về lượng cổ động viên đến sân, dù trên thực tế các sân đấu của họ đa phần không lớn bằng La Liga hoặc Premier League.

Vì sao CĐV Đức chăm chỉ đến sân? Câu trả lời đơn giản vì bóng đá đẹp. Số bàn thắng trung bình mỗi trận của Bundesliga mùa rồi là 3,22 và liên tiếp bốn năm qua đều trên 3 bàn/trận. Trong khi đó, cả Premier League hay La Liga đều dao động từ 2,5 đến 2,8 bàn/trận.

Ảnh: Fantasy Football Scout

Ảnh: Fantasy Football Scout

Cả thế giới theo đuổi bóng đá đẹp

Khi Euro trở về Đức, giải đấu lập tức được dự đoán sẽ nhuốm màu lễ hội tưng bừng, khi CĐV lấp kín khán đài và thổi bùng lên tinh thần bóng đá đẹp. Tự bao giờ Đức lại trở thành cái nôi của bóng đá tấn công?

Câu trả lời là vào khoảng đầu thập niên 2000, khi giới lãnh đạo bóng đá Đức chấp nhận một sự thật rằng cần phải có các ngôi sao tấn công, lối chơi tốc độ và những bàn thắng đẹp để giữ chân CĐV, đẩy mạnh bản quyền truyền hình và khuếch trương yếu tố thương mại.

"Có một dạo ở Đức người ta đùa rằng những HLV bóng đá cần phải ngày ngày đến biên giới Hà Lan và chỉ cần nhìn sang bên kia là có thể học hỏi những đứa trẻ Hà Lan chơi bóng đá đẹp như thế nào" - nhà báo Vũ Công Lập, người am hiểu văn hóa bóng đá Đức, chia sẻ. 

Đó là giai đoạn bóng đá Đức xác định cần phải học hỏi người Hà Lan để sản sinh ra những mẫu cầu thủ "số 7", "số 8", "số 10", "số 11" mẫu mực của lối chơi kỹ thuật.

Kết quả là Đức bắt đầu chơi tấn công từ World Cup 2006, rồi bước lên đỉnh cao tám năm sau đó. Vài năm tiếp theo, họ chùng xuống vì nhiều lý do nhưng vẫn đều đặn sản sinh ra những cầu thủ giàu kỹ thuật. Musiala và Wirtz hiện tại là ví dụ. 

Cả hai đang là những "số 10" đáng xem nhất làng bóng đá hiện nay. Ở cấp CLB, cả bốn đội bóng mạnh nhất Bundesliga lúc này - Bayern Munich, Leverkusen, Dortmund và Leipzig - đều chủ trương chơi tấn công.

Có thể bạn ngạc nhiên nhưng nền bóng đá ngả về xu thế tấn công tiếp theo là Ý. Không nhiều người biết rằng xu hướng chiến thuật gegenpressing rực lửa làm điên đảo thế giới 10 năm qua bắt đầu từ Arrigo Sacchi - một chiến lược gia đại tài nổi tiếng với việc "đi ngược truyền thống bóng đá Ý" từ những năm thập niên 1980.

Ông Sacchi đưa ra một luận điểm nổi tiếng, đó là những HLV không xuất thân từ các CLB lớn sẽ có xu hướng chơi mạo hiểm và hấp dẫn hơn. Và quả thật, từ Gian Piero Gasperini đến Roberto De Zerbi, bóng đá Ý lúc này có rất nhiều HLV nổi tiếng về lối chơi tấn công rực lửa. Họ có xuất phát điểm bình thường nhưng sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Cần bóng đá tấn công để cuộc chơi trở nên cuốn hút hơn và mọi thành quả (về bản quyền truyền hình, lượng khán giả, thương mại) sẽ đến. Nhiều thập niên qua, UEFA cùng FIFA đã cố gắng đưa tư tưởng này đến khắp các nền bóng đá.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận