Phần đông trong số họ là những cầu thủ mang đẳng cấp "world class", khái niệm dùng để chỉ những cầu thủ giỏi bậc nhất thế giới ở vị trí của họ.
Ai cũng có thể chuyển đến Saudi Arabia
Nếu lấy cột mốc từ khi Ronaldo chuyển đến Saudi Arabia vào mùa đông năm ngoái, đến nay giải bóng đá xứ Ả Rập này đã đón 3 siêu sao.
Đó là Ronaldo cùng Benzema (những Quả bóng vàng) và N'Golo Kante, người từng được đánh giá là tiền vệ phòng ngự hay nhất thế giới trong một giai đoạn kéo dài 3-4 năm.
Saudi Arabia đã mở màn cho cơn bão bóng đá của mình bằng ba cái tên cực kỳ ấn tượng.
Sự ngạo nghễ của Messi khiến kế hoạch của các tỉ phú Saudi bị đổ vỡ.
Người hâm mộ Saudi Arabia giờ đây không thể chiêm ngưỡng trực tiếp màn so tài kinh điển đẳng cấp thế giới giữa Messi và Ronaldo. Nhưng không hề gì bởi trong nhiều trường hợp, số lượng có thể bù cho chất lượng.
CLB Al-Hilal được cho là sẵn sàng trao mức lương 600 triệu USD/năm cho Messi. Với con số đó, họ có thể trả lương cho 20 cầu thủ như Kante.
Sau Ronaldo, Benzema cùng Kante, các CLB Saudi Arabia tiếp tục hỏi mua hàng chục siêu sao từ châu Âu. Hầu như bất kỳ cầu thủ nổi tiếng nào chỉ còn khoảng một năm hợp đồng đều có tin đồn chuyển nhượng đến Saudi Pro League.
Đó là Ramos, Busquets, Ziyech, Koulibaly, Aubameyang, Hazard, Neves, Lukaku, Pogba, Mane...
Đến mức, đội bóng đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng thừa là Chelsea cũng đang kỳ vọng sẽ thanh lý bớt ngôi sao bằng cách đẩy sang Saudi Arabia.
Tất cả những gì đang diễn ra ở Saudi Arabia gợi nhớ đến bài học đắt giá của bóng đá Trung Quốc vài năm trước.
Sự khác biệt giữa hai nền bóng đá tỉ đô
Từ giai đoạn 2013-2020, các đội bóng ở Giải vô địch Trung Quốc (China Super League) đã chi ròng (khoản chi trừ đi khoản thu) khoảng 1,5 tỉ USD để mua các ngôi sao nước ngoài.
Nếu tính cả quỹ lương, bóng đá Trung Quốc đã chi ra hơn 2 tỉ USD trong vòng 7 năm cho chuyến đổ bộ đắt giá của các siêu sao. Nhưng rồi giấc mơ của họ vẫn tan vỡ.
Khác với Trung Quốc, các CLB Saudi Arabia thực tế không chi nhiều cho phí chuyển nhượng. Lần lượt Ronaldo, Benzema và Kante đều đến Saudi Arabia sau khi kết thúc hợp đồng với CLB chủ quản. Ramos, Busquets hay Hazard có thể là những người nối tiếp dưới dạng chuyển nhượng tự do.
Còn phí chuyển nhượng với các cầu thủ như Mane, Pogba, Aubameyang có lẽ cũng không quá cao khi họ đều có vấn đề với đội bóng hiện tại.
Thêm vào đó, những cái tên đặt chân đến Saudi Arabia thực sự chất lượng hơn dàn ngôi sao đổ bộ Trung Quốc giai đoạn 5-7 năm trước.
Nếu bóng đá Trung Quốc từng chìm ngập trong những ngôi sao châu Âu tầm khá, thì giờ đây Saudi Arabia lại hy vọng vươn lên bởi những siêu sao đẳng cấp nhất. Dù vậy, họ chỉ còn đủ sức chơi bóng đỉnh cao 1-2 năm nữa.
Saudi Arabia không phải là một thị trường bóng đá tỉ dân như Trung Quốc, với dân số chỉ vỏn vẹn khoảng 36 triệu người. Lượng khán giả trung bình của giải chỉ vào khoảng 10.000 người/trận, không bằng một nửa của Trung Quốc. Các yếu tố thương mại khác cũng khó lòng sánh nổi.
Thất bại của Trung Quốc khiến các tỉ phú Saudi Arabia phải nhìn vào đó để rút ra kinh nghiệm.
Sau 4-5 năm nữa, làng bóng đá sẽ có câu trả lời: liệu Saudi Arabia có sa vào vết xe đổ của Trung Quốc hay không? Còn giờ đây, người hâm mộ sẽ được chứng kiến một chiến dịch chuyển nhượng đồ sộ có lẽ là số 1 lịch sử bóng đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận