Nhưng nhiều người trong cuộc cũng nói rằng chuyện đó là bình thường trong quan hệ của nhiều quan chức, nhiều ông bầu và chuyện người ta tung ra những tư liệu ấy để dìm nhau hóa ra cũng chẳng có gì mới mẻ.
Điều đó cũng chỉ cho thấy một phần của bức tranh xung đột quyền lực giữa những lực lượng kinh tài hùng mạnh đang chi phối nền bóng đá và trong cuộc chiến ấy, họ làm tất cả những gì có thể để gạt bỏ những "công cụ" mà người ta sử dụng để có thể tác động lên kết quả các trận đấu, ở đây là các trọng tài, để tập trung quyền lực chuyên môn và tài chính vào tay mình.
Cuộc đối đầu của ông Hùng với ông Hiền thực ra cũng chỉ là một trong số rất nhiều những đấu đá công khai có, ngầm có trong thời gian qua, bỗng trở nên đặc biệt mạnh mẽ vào thời điểm này, khi đại hội kỳ tới của VFF sắp diễn ra với việc bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng có ảnh hưởng đến cả nền bóng đá.
Đó là cuộc chiến của bầu Đức với bầu Tú ở vị trí phụ trách tài chính và tài trợ. Đó cũng là cuộc chiến giữa bầu Đức và các đồng minh trong việc gạt bỏ ảnh hưởng của vua trọng tài Nguyễn Văn Mùi.
Cuộc chiến đầu tiên đã kết thúc, cuộc chiến thứ hai có điểm khởi đầu nhưng chưa có kết cục và có lẽ cũng sẽ không có kết cục, bởi ông Mùi đã ngồi đó biết bao năm nay và những vấn đề liên quan đến trọng tài năm nào cũng ầm ĩ, năm nào cũng "bốc mùi" với các xìcăngđan cho thấy chẳng có gì thay đổi.
Một cuộc cải tổ triệt để nền bóng đá để tiến lên chuyên nghiệp đúng nghĩa xét cho cùng vẫn chỉ trên những lời nói, khi những gì xảy ra ở VFF, trong nội bộ VPF và giữa VFF với VPF cho thấy sự xung đột của những lợi ích, giữa các cơ chế và giữa các quyền lực.
Chuyện ông Hùng vừa từ chức như một cách để giảm nhiệt và "là điều tốt cho hình ảnh của VPF và bóng đá Việt Nam", như lời chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói, thực ra không giải quyết được điều gì, bởi những vấn đề cốt lõi trong quan hệ giữa VPF và trọng tài, vốn thuộc VFF, chưa hề được xử lý.
Mấy tháng sau thành công của đội tuyển U-23, hiệu ứng của nó không còn cảm nhận được nhiều nữa.
Mọi thứ đã gần như chìm xuống, khi sự hân hoan nhường chỗ cho rất nhiều ầm ĩ xung quanh các cuộc chiến quyền lực của các ông bầu và thực tế không như là mơ trên sân cỏ, khi bạo lực tái diễn và những tiếng còi méo bóp nát nhiều trận đấu.
Những cuộc chiến ấy có thể rồi sẽ có người chiến thắng, nhưng nếu khán giả lại bỏ đi vì quá chán nản với những gì họ thấy trong các cuộc đấu đá và với chất lượng sân cỏ đang xuống như hiện tại thì bóng đá vẫn là kẻ thua cuộc đau đớn nhất. World Cup 2018 đã cận kề.
Trái bóng cũng sắp lăn. Người hâm mộ sẽ lại hướng hết về nước Nga, bỏ lại phía sau bóng đá nội đang rối ren như trong thuở hồng hoang...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận