Tác giả Huỳnh Dũng Nhân (trước ) - Ảnh: NVCC
Tôi còn hay chơi bóng bàn ở CLB Thống Nhất ngay Bờ Hồ, nơi dành riêng cho cán bộ miền Nam tập kết.
Rồi từ đó tôi tham gia tập luyện ở CLB thiếu nhi Hà Nội. Ở Hà Nội hồi đó thường xuyên có các giải bóng bàn quốc tế và hầu như tôi xem không thiếu trận nào. Tất nhiên không có tiền mua vé nên nhiều trận đấu bóng bàn quốc tế tôi phải leo tường chui cổng trốn vé vào xem.
Sau năm 1975 tôi vào Sài Gòn. Nơi đầu tiên tôi tìm đến sớm nhất là Sẹc Tây (Cung văn hoá Lao động bây giờ ) và các lò bóng bàn Minh Nghĩa, Đồn Đất ,Tân Việt, Việt Nam, Lệ Chí, CLB Nguyễn Du Q1 và một số lò bóng bàn các đơn vị khác để đánh bóng bàn.
Tính ra tôi đã có hàng chục năm tập bóng bàn phong trào dưới các màu áo Đội bóng bàn trường Văn Khoa, đội bóng bàn trường Tuyên Huấn Trung ương, Đội bóng bàn báo Lao Động, cho đến năm 2009 thì gác vợt sau 10 giải bóng bàn của Hội nhà báo VN liên tục với nhiều lần đoạt giải lớn nhỏ.
Bóng bàn đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui và quan trọng nhất là giúp cho tôi có sức bền dẻo dai, nhanh nhẹn, giúp tôi có một cơ thể khỏe mạnh trong một tinh thần minh mẫn. Có một lần tôi bị bệnh nằm nhà, sau đó cũng nhờ tập bóng bàn mà tôi hồi phục được sức khỏe một cách nhanh chóng.
Bóng bàn là môn hoạt động phối hợp động tác toàn thân, rất phù hợp với đặc điểm thể hình và sức khỏe của người Việt Nam. Tập bóng bàn không cần trang thiết bị nhiều, chỉ cần tốn ít thời gian và quan trọng nhất là có bạn cùng tập là bắt đầu rèn luyện thân thể một cách hiệu quả.
Tôi nhớ có hồi tôi hơi nặng ký, nhất là cái bụng cứ phệ ra, sau một thời gian tập luyện bóng bàn thì cái bụng mới chịu xẹp bớt. Và khi đó, tôi nằm ngửa mới có thể nhìn xuống thấy ngón chân của mình chứ không bị cái bụng che khuất như trước.
Niềm đam mê bóng bàn còn lan truyền vào công việc nghề nghiệp của tôi. Trong đời làm báo, tôi cũng có một thời gian chuyên viết về bóng bàn, lại có lần được bầu làm Phó Chủ tịch liên đoàn Bóng bàn TPHCM khoá 4 (2009-2014)
Bóng bàn là cứu cánh cho sức khỏe của tôi, một kẻ "thấp bé nặng cân". Sau khi gác vợt mấy năm thì tôi thấy sức khỏe kém hẳn đi. Tôi liền quyết định tập luyện bóng bàn trở lại.
Dù đã nghỉ hưu, ít đi thi đấu giải, nhưng tôi tập luyện để cơ thể thêm nhanh nhẹn, dẻo dai và khỏe mạnh hơn. Tôi liền đến tập bóng bàn tại Cung văn hoá Lao động cùng HLV Châu Thới.
Cứ mỗi buổi tôi tập bóng bàn khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ là mồ hôi ướt hai cái áo, bắt đầu nghỉ là vừa. Sau mỗi lần tập thì người trở nên nhẹ nhõm, hưng phấn, làm việc gì cũng đầy cảm hứng.
Sau mấy tháng tập bóng bàn trở lại, tôi đã tìm được niềm vui là giải quyết bài toán thời gian rảnh rỗi sau khi nghỉ hưu một cách có ý nghĩa.
Do có kỹ thuật cơ bản từ trước, tôi nhanh chóng lấy lại được phong độ, nâng cao kỹ thuật, cơ thể nhanh nhẹn gọn gàng và dẻo dai hơn. Và vui nhất là được bạn bè đồng nghiệp khen là phong độ, "trẻ lâu", đảm đương tốt vai trò là người đàn ông trụ cột của gia đình.
Một niềm vui khác cũng nhờ sự đam mê bóng bàn đem lại là tôi gặp được nhiều người cùng yêu thích bóng bàn, chia sẻ kinh nghiệm từ trên bàn bóng đến các trang mạng chuyên về bóng bàn của cả nước.
Niềm đam mê bóng bàn đã giúp tôi có một đóng góp trong việc chấp bút cho cuốn hồi ký "Bóng bàn- Một đời tôi đam mê" của cố chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với bóng bàn Việt Nam.
Mới đây, tôi còn "liều mạng" tham gia Giải bóng bàn dành cho các cựu cao thủ ( thể loại đánh đôi) trong Cúp bóng bàn CLB Toàn Việt.
Tôi và VĐV Lê Toàn Hiếu tuy thua nhiều hơn thắng nhưng rất vui vì đã vinh dự được BTC trao giải "Cặp đôi lớn tuổi nhất" vì tuổi hai người cộng lại là...130 tuổi. Chỉ trong gần một ngày chúng tôi đã thi đấu tất cả 6 trận với khoảng 22 ván, song không hề cảm thấy mệt mỏi mà lại thấy sung sức gần như thời trai trẻ.
Rõ ràng ngoài nghề nghiệp cầm bút thì tập luyện bóng bàn cũng là một đam mê rèn luyện sức khỏe không thể thiếu được của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận