09/11/2012 03:08 GMT+7

Bóng anh hùng và Không lạ

TH.H.
TH.H.

TT - Cây bút Doãn Dũng vừa cho ra mắt cùng lúc hai tập sách Bóng anh hùng (tập truyện) và Không lạ (tạp văn).

Phần lớn truyện ngắn và tất cả tạp văn trong hai tập sách đều không lạ vì từng được xuất hiện trên Facebook của anh và được cộng đồng mạng bàn tán khá râm ran.

gERz2SHe.jpgPhóng to
Sách do Amun Book và NXB Thời Đại ấn hành - Ảnh: Việt Dũng

Nhưng dù sao khi những tác phẩm không còn trôi dạt trong một không gian ảo và dưới một cái tên ảo (ban đầu nickname của Doãn Dũng trên Facebook là Thần Gió), khi chúng đã hiển hiện giấy trắng mực đen đóng bìa, đóng mộc nhà xuất bản và với một bút danh không còn xa lạ (Doãn Dũng xuất hiện đều đặn trên một địa chỉ văn chương đáng tin cậy là Văn Nghệ Quân Ðội nhiều năm nay), thì tính công dân của cả nhà văn và tác phẩm đã ở một vị thế khác.

Những "fan" của Thần Gió có thể thích thú khi gặp lại những "người thật việc thật" cả ngoài đời lẫn những chi tiết "chém gió" trên Facebook, trên blog trong tập Không lạ, từ chuyện Bố già trong tiểu thuyết Mario Puzzo đến "bố tôi", từ những gương mặt ám khói chuyên "like đểu", còm "ném xương" như Andy Choét, Sontt, Future Nguyen, Ma Sơn, từ chuyện cưa tán bạn gái - giờ là vợ, đến chuyện đong đưa đối phó với em gái xinh bán bảo hiểm nhân thọ... Có một số truyện ngắn trong tập Bóng anh hùng cũng mang hơi hướng "văn chương Facebook" và có lẽ nên chuyển sang in bên tập tạp văn này cho thống nhất phong cách (!?).

Nhưng hơn một nửa truyện ngắn nặng trĩu về đời lính và về nước Nga trong tập Bóng anh hùng thì thật sự đáng để đọc và nghĩ, hơn thế, đọc và buồn, đau, thấm thía.

Khó lòng hình dung một thứ văn chương của một người "được coi là trẻ", cũng có thể gọi là thành đạt (nhà văn này còn là chủ của một hãng thời trang nổi tiếng), hay đùa cợt, lắm lúc thái quá trên blog, lại có thể sâu và đau như thế trong Bóng anh hùng, Say súng, Ở nơi không có tiếng súng, Bạn chiến đấu, Một câu chuyện buồn. Ðã thuộc lòng câu chuyện của những người lính thương tật đầy thân mình và trái tim, sẹo mòn rỗ tâm hồn sau chiến tranh trong tiểu thuyết Remarque và Bảo Ninh, những tưởng khó lòng có nhà văn nào viết được điều gì gây được xúc cảm và ấn tượng cho độc giả hiện đại đang thừa mứa thông tin và mòn vẹt xúc cảm.

Nhưng hình ảnh người lính già ngồi bán huân chương ở phố Arbat-Matxcơva hay người mẹ đẩy con ra trận vì muốn con trai mình thành anh hùng để chàng trai chết vẫn không nguôi giận mẹ vẫn xoáy vào độc giả một nỗi đau khác, ở một chiều kích khác của tâm hồn. Những hình ảnh đầy ẩn dụ trong Say súng cũng khiến chiến tranh trở nên ghê sợ một cách trực giác hơn như nhìn thấy, sờ thấy được.

Một mong ước có lẽ hơi tham lam của người đọc sau khi đọc Bóng anh hùng Không lạ: giá như nhà văn có thể thêm thời gian và thêm mồ hôi, thêm chút hi sinh để biến những cái đau đớn hậu chiến và cái xô bồ, dở cười dở khóc hôm nay thành một tiểu thuyết đầy sức nặng. Nhưng có lẽ như vậy đòi hỏi sự hi sinh hơi nhiều của một doanh nhân hình như mới coi văn chương là một cuộc đuổi bắt thú vị giữa vốn sống và các con chữ?

TH.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên