Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo tổng kết hai năm thí điểm tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP.
Tuyến buýt điện đầu tiên lỗ 33,6 tỉ đồng sau hai năm vận hành
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ năm 2022, TP chấp thuận chủ trương cho thí điểm 5 tuyến xe buýt điện. Thời gian thí điểm 24 tháng kể từ khi các tuyến đi vào hoạt động.
Trong thời gian thí điểm, TP cho phép đặt hàng buýt điện theo đơn giá xe CNG (xài khí nén thiên nhiên), tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%. Mức trợ giá này được xây dựng trên cơ sở thống kê tỉ lệ trợ giá bình quân trong 10 năm (từ năm 2009 - 2019) của hệ thống xe buýt có trợ giá.
Trong 5 tuyến được chấp thuận thí điểm, đến nay mới chỉ vận hành một tuyến buýt điện D4 (hoạt động từ tháng 3-2022). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến 4 tuyến còn lại chậm đưa vào vận hành và đã được Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus báo cáo.
Cụ thể, để tổ chức hoạt động 5 tuyến buýt điện (quy mô gần 100 xe), Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đã tìm kiếm và đầu tư quỹ đất xây dựng depot với diện tích 1,5-2ha. Nơi đây có đầy đủ cơ sở vật chất như văn phòng, nhà xưởng bảo dưỡng sửa chữa, hệ thống hạ tầng trạm sạc, bãi đậu.
Công ty đã triển khai các thủ tục để xây dựng depot tại TP Thủ Đức. Tuy nhiên, quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định, phê duyệt từ nhiều sở ngành. Vì vậy, việc thời gian triển khai xây dựng depot bị kéo dài.
Với tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1% thì mức trợ giá của tuyến là 309.800 đồng/chuyến. Trong khi chi phí mỗi chuyến là 702.496 đồng. Phần doanh thu phải đảm bảo 55,9% chi phí là 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến). Trên thực tế, mức sản lượng thực hiện năm 2023 đạt 29,5 hành khách/chuyến (chỉ đạt 41,5%).
Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus nhận định tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp (44,1%), chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (mức 66,4%). Đơn giá chi phí xe buýt điện cao hơn CNG nhưng hiện chỉ mới được thanh toán bằng CNG. Thời gian xây dựng định mức kéo dài.
Do vậy, công ty lỗ 33,6 tỉ đồng sau hai năm vận hành tuyến buýt điện D4.
TP.HCM đang xây dựng đơn giá xe buýt điện, mở rộng trạm sạc
TP.HCM chưa có đơn giá định mức của xe buýt điện nên tạm thời áp dụng đơn giá định mức của CNG, nhưng tỉ lệ trợ giá vẫn đang thấp hơn, chỉ bằng 2/3 mức thành phố trợ giá cho xe buýt diesel, CNG.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đang phối hợp với tư vấn xây dựng bộ định mức, đơn giá để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quý 3-2024.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp các đơn vị có liên quan để xác định khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện trên địa bàn TP theo từng giai đoạn. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc để báo cáo UBND TP xem xét.
Dự kiến sau khi có bộ đơn giá, định mức buýt điện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện.
Đề xuất nâng tỉ lệ trợ giá cho tuyến buýt điện
Theo Sở Giao thông vận tải, tuyến xe buýt điện D4 là tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn TP. Phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính và tiếng ồn động cơ.
Kể từ khi đi vào hoạt động, tuyến buýt điện D4 đã mang lại những tín hiệu tích cực. Khối lượng vận chuyển của tuyến ngày một tăng. Hành khách có nhiều ý kiến khen ngợi, đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ của tuyến.
Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện đến 31-3-2025. Bên cạnh đó, nâng mức trợ giá cho xe buýt điện lên tỉ lệ 64,8% để đảm bảo cho các tuyến buýt điện hoạt động hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận