Bọn trẻ ngày này có trí thông minh kiểu khác

LYUDMILA YASYUKOVA 05/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Lyudmila Yasyukova, tiến sĩ tâm lý học Nga, sau 10 năm nghiên cứu sự phát triển trí thông minh của giới trẻ đã đi đến kết luận: tư duy hình ảnh vốn đang lấn át tư duy khái niệm trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội lên ngôi hiện nay, cùng với chương trình học, đã dẫn tới thay đổi cấu trúc trí tuệ học sinh Nga giai đoạn 1990-2020. TTCT giới thiệu bài nói chuyện của bà tại hội nghị các nhà tâm lý học ở S. Petersburg, như một tham khảo cho chúng ta trong cùng điều kiện tác động của thời truyền thông đa phương tiện.

 

 psicologiarocioromero.blogspot.com

“Tôi muốn giới thiệu với các bạn một nghiên cứu so sánh các dữ liệu kiểm tra của 4.738 học sinh lớp 9, được thực hiện hằng năm trong giai đoạn 1990-2020. 
Tại sao tôi lấy dữ liệu từ năm lớp 9? Ở học sinh lớp nhỏ đây vẫn là giai đoạn bắt đầu hình thành trí thông minh, tư duy; ở đó chưa thể đưa ra kết luận dựa trên các bài thử nghiệm, bởi kết quả còn phụ thuộc vào chương trình học sẽ như thế nào, trẻ sẽ học như thế nào, có phát triển toàn diện hay không. 
Nếu bạn đọc Piaget (1) hoặc các nhà tâm lý học của chúng tôi, sẽ nghe họ nói ở độ tuổi 13-14, kiểu tư duy đã được hình thành. Kiểu tư duy được củng cố vì đứa trẻ đã quen với việc sử dụng các thao tác tư duy giống nhau để giải quyết các vấn đề ở trường hoặc cuộc sống. Những thao tác nào chúng sử dụng thường xuyên hơn sẽ trở nên vững chắc hơn, còn những thao tác còn lại sẽ vẫn ở chế độ nền hoặc hoàn toàn không còn nữa.

Khi tôi thử nghiệm tiếp tục, học sinh lớp 10 và 11, tôi có dữ liệu mới về những người tôi từng kiểm tra vào thập niên 1990 và thấy rằng kiểu trí thông minh dần ổn định, những đặc điểm không thay đổi: có thể những thao tác nào được đẩy mạnh, đã phát triển hơn, còn những thao tác không được sử dụng, dần chìm lắng.

Trong một nghiên cứu so sánh, tôi đã chia dữ liệu cho 5 năm, và có thể thấy tư duy thay đổi như thế nào. Tôi tính theo bài kiểm tra của Amthauer (2), ở đó có chín chỉ số, trung bình và độ lệch chuẩn.

Nghiên cứu so sánh này cho thấy vào đầu những năm 2000, đã có một sự thay đổi về chất trong kiểu trí thông minh của thiếu niên: việc hệ thống hóa có tính logic các thông tin dựa trên tư duy khái niệm đã được thay thế bằng những khái quát hóa hình thức - hình ảnh, trong đó bản chất của hiện tượng không được phân biệt và không được hiểu, mặc dù một khối lượng lớn thông tin lớn vẫn được lưu giữ trong tâm trí.

Nếu cấu trúc của trí tuệ được tạo thành từ những khái quát có tính hình thức - hình ảnh thì việc nhận ra, phân biệt các mối quan hệ nhân - quả là không thể, vì thế lúc này các quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá các xác suất, không cần hiểu các sự kiện sẽ phát triển thế nào, do đó độ tin cậy của các dự báo là thấp và việc lên kế hoạch dài hạn là không thể.

Những đặc trưng của loại trí thông minh “mới” này là:

1/Suy nghĩ hời hợt,

2/ Bỏ qua phân tích định tính,

3/ Tuyệt đối hóa các phương pháp phân tích toán học,

4/ Sai lầm trong việc ra quyết định do việc hiểu sai mối quan hệ nguyên nhân - kết quả,

5/ Bất cập trong việc lập kế hoạch và dự báo dài hạn nói chung.

Vấn đề là hiện giờ chúng ta nói không chỉ về học sinh lớp 9, không đơn giản chỉ về giới thiếu niên: các học sinh này vào những năm 2000 đã tốt nghiệp trung học, ra trường, học lên cao hơn - đó là những người tuổi từ 20-40. Họ có thể nắm những chức vụ khá uy tín trong giáo dục, khoa học, y tế, quản lý, nhưng với kiểu tư duy và phương pháp như thế khi ra quyết định...

Trí tuệ không phải là một năng lực tự có nào đó với nền tảng nằm trong di truyền, mà là một cơ cấu các thao tác được hình thành, như L. V. Vygotsky (3) nhấn mạnh, từ kết quả việc học hỏi của trẻ.

Theo Vygotsky, cấu trúc của ý thức là một “hệ thống ngữ nghĩa động” của các quá trình tình cảm, hành động và trí tuệ thống nhất với nhau. Tính chất của cấu trúc này, loại trí thông minh nào sẽ được hình thành, phụ thuộc vào mức phát triển của nền văn hóa mà đứa trẻ lớn lên, vào hệ thống giáo dục được áp dụng ở đó cùng các chương trình cụ thể được sử dụng trong việc giảng dạy trẻ.

Có những chương trình dạy trẻ em ngay lập tức học suy nghĩ có tính khái niệm, chứ không bắt đầu làm điều đó chỉ khi đứa trẻ đi học. Mặc dù Vygotsky nói khi một đứa trẻ đến trường, nhất thiết phải thay đổi chương trình, bởi trước khi đi học nó không cần phải khái quát mỗi ngày, do lúc thì nó chơi, lúc thì hát, lúc thì chạy xe đạp. 

Và phiên bản khái quát nào mà đứa trẻ sẽ sử dụng, sẽ trở thành cơ bản trong cấu trúc trí tuệ của nó. Nếu trẻ khái quát một cách hình tượng và phi logic, theo các hình ảnh, thì phương án tư duy này sẽ được củng cố. 

Một trăm năm trước Vygotsky từng lo ngại hệ thống giáo dục của chúng ta tạo điều kiện cho việc củng cố một phiên bản tư duy sơ khai khiếm khuyết của trẻ mầm non... Bây giờ nó trở nên tệ hơn”.■

Tường Anh (dịch)

Chú thích:

 (1): Thuyết phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget (1896-1980) giải thích cách một đứa trẻ xây dựng mô hình tinh thần về thế giới. Ông không đồng ý với ý kiến cho rằng trí thông minh là một đặc điểm cố định và coi phát triển nhận thức là một quá trình xảy ra do sự trưởng thành sinh học và tương tác với môi trường

(2): Test do nhà tâm lý học người Đức Rudolf Amthauer phát triển để xác định chỉ số thông minh. Trong nghiên cứu của mình, Amthauer rất chú ý đến sự tương ứng giữa trí thông minh và hoạt động nghề nghiệp của một người. Theo Amthauer, năng lực cá nhân của con người không tồn tại như những yếu tố biệt lập, sự phát triển của chúng có mối liên hệ với nhau

(3): Выготский Лев Семенович (1896-1934), giáo sư tâm lý học người Nga, người sáng lập truyền thống nghiên cứu trong tâm lý học được gọi là lý thuyết lịch sử - văn hóa.

Yasyukova Lyudmila Apollonovna, tiến sĩ tâm lý học, tác giả công nghệ hỗ trợ tâm lý cho quá trình giáo dục trong trường học từ lớp 1 đến lớp 11, tác giả các cuốn sách Các mô hình phát triển tư duy khái niệm và vai trò của nó trong dạy học, Tâm lý phòng ngừa các vấn đề trong quá trình giảng dạy và phát triển của học sinh... 

Lyudmila Yasyukova. Nguồn: Psy.ru

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận