Diễn đàn "Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông" là một trong chuỗi hoạt động hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông được ký giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bốn địa phương nói trên.
Muốn phát triển khu công nghiệp cần phải 'đi cùng nhau'
Đây là nội dung được ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI - nhấn mạnh tại diễn đàn, với quan điểm muốn đi xa phải đi cùng nhau và để phát triển các khu công nghiệp thì các địa phương cần phải kết nối, liên kết với nhau.
Theo ông Công, bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 khu kinh tế và khu công nghiệp với tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 50%, nhưng việc phát triển đang bộc lộ một số hạn chế liên quan quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.
"Mặc dù là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng tốc độ phát triển các khu công nghiệp còn chậm, tỉ lệ lấp đầy chưa cao và khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của một vài khu công nghiệp còn hạn chế" - ông Công đánh giá.
Theo đó, phần lớn các khu công nghiệp đều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư tầm cỡ, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn.
Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội các công trình thiết chế phục vụ cho khu, cụm công nghiệp như: nhà ở công nhân, trường học, bệnh viện và trung tâm nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - nhìn nhận những năm qua, cả bốn địa phương đều có thành công nhất định trong việc thu hút đầu tư, trở thành vùng kinh tế tăng trưởng quan trọng của cả nước. Trong đó, Hải Phòng được xác định là cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, có nhiều lợi thế trong liên kết và phát triển kinh tế vùng.
Theo ông Tùng, mặc dù thu hút đầu tư của bốn địa phương tương đối tốt nhưng vẫn còn một khoảng cách so với các trung tâm kinh tế lớn khác, tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi logistics liên hoàn.
Khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu
Tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng việc phát triển công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp truyền thống không còn phù hợp, đổi mới sáng tạo và phát triển khu công nghiệp sinh thái là yêu cầu không thể khác.
Theo bà Minh, việc tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo không chỉ là mô hình phát triển phù hợp cần hướng tới mà còn là mô hình tất yếu đối với các khu công nghiệp nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững cũng như tạo lực kéo, thu hút đầu tư FDI.
Để hiện thực hóa mô hình này, bà Minh khuyến cáo cần chuyển dần từ thâm dụng lao động/đất đai/nguyên liệu đầu vào sang các khu công nghiệp quy tụ doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả tri thức tại đô thị lớn và dẫn dắt như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Quang - phó vụ trưởng Vụ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng với các khu công nghiệp thành lập mới, cần kiên quyết không đưa vào hoạt động khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cần bảo đảm đến năm 2025 phải đạt tỉ lệ là 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các chất thải phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường.
Đồng thời, cần phân loại các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ quá trình xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất dịch vụ trong khu công nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận