Đáp ứng 4 tiêu chí thành khu Ramsar
Theo hồ sơ đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar của UBND TP.HCM, có 4 tiêu chí đã đạt được.
Tiêu chí 1: Chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt. Qua tổng hợp kết quả công trình nghiên cứu về thành phần thực vật của rừng ngập mặn Cần Giờ, ghi nhận có 35 loại thực vật ngập mặn.
Rừng ngập mặn Việt Nam hiện có 37 loài ngập mặn thực thụ. Do đó, rừng Cần Giờ là nơi gần như có đầy đủ các thành phần loài thực vật ngập mặn thực thụ trong cả nước.
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình đề cử thành công khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là hệ thống rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên. Rừng ngập mặn Cần Giờ là một hệ sinh thái hỗn giao tự nhiên bao gồm hầu hết các loài cây rừng ngập mặn "thực thụ" và loài "gia nhập". Điều này giúp tạo nên sự đa dạng sinh học và di sản các hệ thống tự nhiên cho tương lai.
Tiêu chí 2: Nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, hoặc sắp nguy cấp, các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Hiện trong 316 loài thực vật được ghi nhận ở Cần Giờ, đã có 108 loài được đánh giá mức độ nguy cấp.
Một số loài ngập mặn thực thụ được xếp ở cấp độ sẽ nguy cấp, sắp bị đe dọa nguy cấp như gỗ nước, chà là biển, sú, bần ổi, cóc đỏ, chiếc bàng và chùm lé, chân danh Trung Quốc và gội mum.
Về động vật có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà.
Tiêu chí 5: Thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thức ăn, nơi dừng chân từ 20.000 cá thể chim nước trở lên. Hiện nay, trong khu phòng hộ huyện Cần Giờ có khu quy hoạch sân chim Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, ước lượng có từ 20.000 cá thể chim nước trở lên về đây cư trú hằng năm.
Tiêu chí 8: Nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở. Rừng ngập mặn Cần Giờ là cái nôi tự nhiên cho rất nhiều loài tôm, cá.
Tuy các loài tôm, cá ít sống trọn vòng đời ở rừng ngập mặn nhưng hầu hết chúng đều đến rồi đi theo dòng thủy triều hoặc trải qua một phần của vòng đời ở các vùng cửa sông tại rừng ngập mặn. Chúng lấy rừng ngập mặn là nơi sinh sống, cung cấp thức ăn, sinh sản…
Giúp địa phương phát triển
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Đức Hoàn - trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết khi rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu Ramsar sẽ mang lại cho địa phương rất nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Khi đó Cần Giờ sẽ nằm trong mạng lưới Ramsar thế giới, như một "kênh truyền thông" giúp cho bạn bè thế giới biết đến Cần Giờ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Chính phủ, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 13 khu Ramsar. Việc TP đề cử vừa qua chỉ là bước đầu tiên trong quá trình.
"Sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường thống nhất với đề cử này thì địa phương sẽ rà soát lại lần nữa thực trạng chi tiết, đánh giá theo 8 tiêu chí của thế giới xem mình còn thiếu những tiêu chí nào, những tiêu chí nào chưa đủ. Từ đó hoàn thành bộ hồ sơ cuối cùng và trình Tổ chức Công ước Ramsar thế giới", ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, tùy theo vị trí địa lý và điều kiện địa hình, các khu Ramsar sẽ có những loài sinh cảnh, động vật quý hiếm khác nhau nên sẽ đáp ứng những tiêu chí khác nhau. Thực chất chỉ cần có 2 tiêu chí đã có thể công nhận danh hiệu khu Ramsar và Cần Giờ đang đáp ứng được 4 tiêu chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận