22/02/2021 14:35 GMT+7

Bốn đời làm 'rái cá'

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Ông Ba Hoàng nổ máy, cột dây lặn quanh người, lầm rầm khấn vái rồi lặn xuống sông sâu. Ông là truyền nhân đời thứ 4 của một gia đình nổi tiếng là 'rái cá' miệt sông nước miền Tây.

Bốn đời làm rái cá - Ảnh 1.

“Rái cá” Ba Hoàng ngậm ống hơi chuẩn bị lặn sông - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Cá giờ ít hơn hồi đó dữ lắm. Lưới miệt trên xuống đây giăng nhiều quá, cá sửu ở đầu nước vừa về là bị bắt hết trơn, đâu còn tới chài rê nữa. Giờ người ta cào điện, cá non cũng chụp luôn nên mất giống cá.

Ông Ba Hoàng

Vừa ngậm ống hơi, ông Ba Hoàng (tức Lâm Văn Hoàng, 54 tuổi, ngụ cồn Phó Ba, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) vừa rê chài mò cá. Trên ghe, vợ ông giữ dây hơi, rồi kéo lưới lên tiếp chồng.

Hoàng "rái cá"

Từ trung tâm TP Long Xuyên, muốn tới cồn Phó Ba phải qua một con sông. Tôi dễ dàng tìm được nhà ông Ba Hoàng bởi hầu như ở đây ai cũng biết Hoàng "rái cá" - biệt danh bà con đặt cho ông. Trong cơn gió chớm lạnh bên ấm trà, lão ngư chân chất kể chuyện mình.

Ba Hoàng là đời thứ tư trong một gia đình có truyền thống làm nghề lặn sông chài cá. Cha ông Hoàng là ông Ba Lừng - thợ lặn có tiếng và là người sáng tạo ra máy hơi lặn đầu tiên ở cồn này. 

Cồn Phó Ba được đặt theo tên của cha ông Ba Lừng, vốn từ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) dẫn vợ con về đây sống bằng nghề lặn bắt cá.

"Hồi nhỏ mỗi lần cha đi mần thì tui đi theo, ngồi trên ghe đợi cha giở lưới lên rồi kéo tiếp. Thấy cha bắt cá tôm nhiều quá nên ham, xin cha dạy nghề lại" - ông nhớ lại. 19 tuổi, Ba Hoàng bắt đầu nối nghiệp cha, khi có gia đình thì tách ra riêng.

Thời trẻ vợ chồng ông đi chài mỗi ngày hai chuyến. Hoàng "rái cá" lặn 60-70m là chuyện thường, chỗ cạn nhất cũng 20-30m. "Có khi xuống bắt chút xíu gom chài chừng 15 phút, nửa tiếng nổi lên rồi. Góc nào nhiều cá quá thì lặn một, hai tiếng đồng hồ" - ông kể.

Giờ đã hàng U60, ông Ba Hoàng vẫn khỏe nhưng không thể lặn sâu 100m như trước, cũng chẳng đi ngày hai chuyến như trước. "Lớn tuổi rồi, đâu còn hơi hám nhiều như hồi trẻ, lặn 1-2 chài trong một buổi thôi".

Nghề sông nước thu nhập "hên xui", tùy hôm đó "Bà Cậu" cho dính cá nhiều hay ít, lớn hay nhỏ. "Chục năm trước cá còn nhiều nên ham lắm, tui đi ngày hai chuyến. Một chuyến kiếm vài trăm ngàn, một hai triệu đồng khỏe ru, bữa nào vô mánh gặp cá hô là hơn chục triệu. Chừng 3 năm trước còn thường xuyên dính cá bự. Nhưng giờ ít, đi ba tiếng chừng 4-5kg cá. 

Thường dính cá sửu, cá leo, cá lăng, cá tra, cá ngát, cá cóc, tôm... lâu lâu mới có cá sửu lớn gần chục ký. Ngày kiếm cỡ 200.000 - 400.000 đồng, vợ chồng tui với hai đứa cháu nội sống được" - ông cho biết.

Bốn đời làm rái cá - Ảnh 3.

Con cá tra dầu “ khổng lồ” sau khi kéo lên được thương lái “chốt đơn” ngay - Ảnh: NVCC

Những mẻ lưới khủng

Ông Ba Hoàng khoe xóm này nhiều người mần chài rê, "nhưng lặn sâu và bắt nhiều cá bự thì không ai qua tui đâu. Mình phải biết góc nào có cá bự, người ta mần 10 chài, tui mần hai chài có thể được con cá bự hơn". 

Chỉ vào cái chài bên góc nhà, ông nói nó đã từng dính một con cá hô trên dòng sông Hậu trước nhà cách đây 5 năm.

"Đợt đó trùm lưới lặn xuống góc đụng trúng cá bự, nó quẫy mạnh dữ lắm, tui cũng sợ sợ tưởng cá sấu, cá tra dầu gai vì lúc lặn đâu có mở mắt. Rồi từ từ chài bò theo, sờ được thì biết đây là cá hô. 

Tui mới vật nó xuống, dùng chài quấn lại. Ba, bốn người kéo lên mà muốn không nổi tại quá nặng. Con cá gần 40kg, đem lên người ta lại hỏi mua quá trời. Tui bán cho một nhà hàng gần đó giá 750.000 đồng/kg" - ông kể. Đó là lần gần nhất ông bắt được loài cá có kích thước lớn nhất trong họ cá chép này.

Nghề sông nước rày đây mai đó nên hễ nghe đâu có nhiều cá, vợ chồng ông lại sửa soạn đồ nghề cho chuyến đi từ vài ngày tới mấy tháng. Ghe ông từng cập bến Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng... 

Ông Ba Hoàng nhớ có đợt lặn ở Mộc Hóa (Long An), trong hai ngày chài của ông dính bốn con cá bông lau, mỗi con hơn 10kg được người ta mua hết sạch. 

Lần đi bạn (làm thuê cho ghe khác) ở Sóc Trăng, con cá ngát 19,5kg cũng từng "sa lưới" ông. Rồi loài hung dữ như cá lăng nha cũng chẳng làm khó được "rái cá" dày kinh nghiệm này.

Bốn đời làm rái cá - Ảnh 4.

Con cá hô gần 40kg dính chài ông Ba Hoàng cách đây 5 năm - Ảnh: NVCC

Mê lặn nhưng không muốn con theo

Thường vào tháng 9, 10 âm lịch, vợ chồng Ba Hoàng lại giong ghe đi tới gần tết mới về. Mùa nước đổ ông cất lưới xó nhà mấy tháng, hôm nào rảnh thì mò tôm theo đường bè, kiếm đôi ba trăm ngàn đồng đong gạo. 

Vài năm gần đây cá ít dần, ông bà cũng lớn tuổi, lại phải cơm nước cho cháu nội nên chỉ rê chài quanh vùng.

Ông Ba Hoàng có hai con trai, con lớn ở riêng và làm nghề khác. Còn đứa út 27 tuổi nối nghiệp cha nhưng cũng hay đi cạo hào cho các tàu cá ở Vũng Tàu, chừng mươi bữa nửa tháng mới về. "Nó đi cạo hào được cỡ 1 triệu đồng/ngày, tui thấy "ngon" hơn lặn sông. Nghề mình cực khổ, lạnh lẽo quá, nên tui không hướng con theo.

Giờ cá mắm cũng ít, khó sống dư dả như trước nên tui nói con khi nào rảnh thì đi lặn với cha, còn bình thường cứ mần gì con muốn. Nó biết lặn nhưng không có sâu, bắt cá cũng đâu bằng tui". Ông cho biết ngoài mình thì em trai ông cũng theo nghiệp gia đình: "Thằng em tui còn lặn tìm ghe, tàu bị chìm dưới sông lên giúp bà con nữa đó".

Mấy chục năm theo nghề, ông Ba Hoàng ít khi gặp sự cố gì vì đã có kinh nghiệm với con nước. "Lặn theo miệng chài, nếu thấy trong chài có chỗ nó rục rịch, cảm nhận có gì đó bất thường thì mình nổi lên, chứ bướng đu theo dễ chết lắm" - ông cho hay. 

Tâm sự đời lặn, Ba Hoàng nói cực tất nhiên là có, "mà mê nghề này quá không bỏ được, khi nào lớn tuổi mần hết nổi mới nghỉ". Ông từng làm bè nuôi cá chim nhưng thua lỗ nên bỏ.

"Chắc tui chỉ có duyên với nghề lặn sông sâu này" - ông tâm sự. Theo chồng rày đây mai đó, lênh đênh sông nước, bà Bùi Thị Đậm (53 tuổi, vợ Ba Hoàng) trải lòng: "Làm mệt lắm, mình là phụ nữ nên kéo đuối luôn. Cực nhưng phải ráng, ở đây người ta cũng đi mần hết, đâu có mướn ai được. Vợ chồng cũng cần bên nhau".

"Bí kíp" đời lặn

Theo kinh nghiệm cha truyền và mấy mươi năm "sống dưới đáy sông", ông Ba Hoàng rất am tường "tánh nết" những khúc sông, biết chỗ nông, sâu và có cá "khủng" trú ẩn.

"Cá làm hang ở đất lở giữa sông, mình lặn xuống tấn chài xung quanh rồi lùa hang kéo lên, phải kỹ nếu không sẽ vuột mất. Có khi tấn lưới kế góc chứ không ngay góc, lặn một hai chài kéo lên 5-7kg là biết bầy cá về đó" - ông nói mình có cách nhận biết các loài cá, vì lúc lặn phải nhắm mắt.

"Mần riết quen, cá vô chài mình đụng biết đó là cá gì. Cá sửu đụng vô nó kêu "ục ục", cá cóc phát ra tiếng "cóc, cóc" dưới nước, cá tra thì đầu dẹt mình dài, cá vồ mình cụt đuôi nhỏ. Còn cá phèn, cá ngát, cá lăng, cá leo không kêu nhưng kinh nghiệm tui vẫn phân biệt được. Nhiều người ngồi trên ghe không tin, tới lúc kéo lên y chang" - ông kể.

Rái cá Lý Sơn Rái cá Lý Sơn

TT - “Chết ai mà chẳng sợ. Nhưng sống như người tàn phế, không làm được gì đàng hoàng còn đáng sợ hơn”.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên