18/04/2013 08:14 GMT+7

Bốn điểm đáng chú ý trong Sách trắng quốc phòng Trung Quốc

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

TT - Chính phủ Trung Quốc vừa có màn trình diễn về “tính minh bạch” trong quốc phòng bằng việc công bố Sách trắng dài 40 trang. Lần đầu tiên từ năm 2011, Bắc Kinh đưa ra những chi tiết về quy mô và cơ cấu các lực lượng vũ trang của nước này.

Jj21HNeu.jpgPhóng to

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân công bố Sách trắng quốc phòng 2013 với báo chí - Ảnh: Reuters

Đây là một tài liệu phục vụ tuyên truyền đối ngoại, lời lẽ mềm mỏng hơn giọng điệu nặng tính chỉ trích đối với các đối thủ trên nhật báo Quân Giải Phóng ra cùng ngày.

Sách trắng cho thấy mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, Sách trắng ám chỉ Mỹ là bên đang gây nên “sự căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực và củng cố quan hệ với các đồng minh”. Mặc dù Bắc Kinh không nêu đích danh Mỹ nhưng thông điệp này là không thể nhầm lẫn, nhất là khi liên kết nó với nhận định trong chương I về tình hình nhiệm vụ.

Sách trắng này nêu rõ: “Mỹ đang điều chỉnh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và bối cảnh khu vực đang trải qua những biến đổi sâu sắc”. Việc giảm thiểu giọng điệu chỉ trích Mỹ phù hợp với chủ trương của Bắc Kinh là tìm cách lôi kéo và cải thiện quan hệ với Mỹ khi vừa diễn ra chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry.

Chủ trương này được Sách trắng nêu: “Trung Quốc theo đuổi quan niệm mới về an ninh, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và theo đuổi an ninh tổng thể và hợp tác an ninh chung”. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đang tìm kiếm một khuôn khổ mới cho quan hệ an ninh với các nước lớn, trước hết là với Mỹ. Còn quan niệm mới này có liên quan gì đến quan hệ với các nước khác (và nhỏ hơn) thì cần phải theo dõi kỹ những gì Trung Quốc làm.

Thứ hai, Sách trắng nêu bật vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo, trong đó cho rằng “một số nước láng giềng đang có những hành động làm phức tạp và trầm trọng thêm tình hình, và Nhật đang gây rối xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư”.

Sở dĩ Sách trắng nhấn mạnh đến các thách thức từ phía hai nước lớn Mỹ và Nhật chủ yếu là để biện minh cho việc Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số hằng năm. Thế nhưng, việc Bắc Kinh đổ lỗi cho các nước láng giềng giáp biển làm cho tình hình thêm căng thẳng và nghiêm trọng thì chẳng khác nào “vừa ăn cướp vừa la làng”. Thái độ này càng đáng lên án nếu xét đến việc thời gian qua lực lượng hải giám Trung Quốc thường xuyên dùng vũ lực trấn áp ngư dân của các nước ven biển Đông.

Sách trắng cũng không quên nhắc lại luận điệu cũ rích là Trung Quốc “chống lại bá quyền và chính trị cường quyền nước lớn” và “sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hoặc cư xử bá quyền”. Thế nhưng, kể từ khi điều này được tuyên bố một cách long trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 (2007) thì Trung Quốc đã đưa cuộc xung đột trên biển Đông lên cường độ cao.

Và kể từ khi nó được lặp lại tại Đại hội 18 (2012), Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh tranh chấp, khai thác trên biển Đông. Với quy định từ ngày 1-1-2013 “chặn tàu, khám tàu, trục xuất tàu” nước ngoài đi vào biển Đông, Bắc Kinh đã bộc lộ ý đồ thiết lập một trật tự trên biển Đông do Trung Quốc chủ đạo.

Thứ ba, Sách trắng tiếp tục khẳng định “kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi” khi nêu rõ “Trung Quốc là một cường quốc hải dương cũng như trên đất liền” và hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực thi luật biển của Trung Quốc, đánh cá và khai thác dầu khí; “tuần tra và quản lý hải giới ở vịnh Bắc bộ và khu vực biển Hoàng Sa” (Trung Quốc gọi là Tây Sa).

Điểm được nhấn mạnh trong Sách trắng là hải quân Trung Quốc cần mở rộng phạm vi hoạt động nhằm bảo vệ “những lợi ích hải ngoại của Trung Quốc đã trở thành một bộ phận cấu thành các lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, trong đó có việc “đảm bảo an ninh cho vận chuyển năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường biển chiến lược, cũng như cho công dân và quyền lợi người Trung Quốc ở hải ngoại”.

Bổ sung cho những quan điểm được nêu trong Sách trắng, tướng Trần Châu - giám đốc Học viện Quân sự Bắc Kinh - viết trên China Daily (ngày 17-4): “Các lợi ích an ninh của Trung Quốc kéo dài từ đất liền ra biển cả, lên khoảng không vũ trụ, không gian mạng, từ an ninh lãnh thổ tới các lợi ích hải ngoại, và từ các khu vực truyền thống tới các lĩnh vực phi truyền thống”.

Thứ tư, chương IV của Sách trắng đề cao vai trò quân đội như lực lượng quan trọng “duy trì ổn định xã hội” và “trật tự xã hội”. Với việc tăng ngân sách quốc phòng cùng thực thi những mục tiêu đầy tham vọng về đối nội và đối ngoại, vai trò quân đội được tăng cường một bước đáng kể cùng với việc xác lập quyền lực của thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Trung Quốc. Đây là thời đại quân đội lên ngôi ở Trung Quốc.

Với vai trò ngày càng lớn ấy, quân đội Trung Quốc chắc sẽ tạo ra nhiều phức tạp cho quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên