28/01/2017 10:46 GMT+7

Bốn câu chuyện nhỏ người Sài Gòn không khoái

TS HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

TTO - Vô một quán ăn, quán nước... ở Sài Gòn, dù là tết nhứt, ai cũng nhận ra một điều thú vị: hiếm có chuyện ăn nói ồn ào...

Người Sài Gòn thường không ồn ào nơi công cộng, nhất là nơi chốn tôn nghiêm như đình chùa miếu mạo - Ảnh: Sáng mùng 1 tết Đinh Dậu 2017 (28-1) rất bình yên, hoàn toàn không chen lấn, ồn ào dù hàng ngàn khách viếng lăng theo thông lệ của nhiều người Sài Gòn xưa nay - Ảnh: M.D

​Trong chương trình “Vui sống mỗi ngày” trên VTV3 đầu tháng 12-2016, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bảo "Người Sài Gòn rất bao dung, sẵn sàng đón nhận người từ muôn phương đến sống ở Sài Gòn phù hợp với tính cách của người Sài Gòn…". 

​Vấn đề đặt ra ở đây là lối sống như thế nào là phù hợp với người Sài Gòn và chơi kiểu gì mà người Sài Gòn không khoái?

Nói ra thì có lẽ cũng... phức tạp, vì vậy ở đây xin tạm ghi nhận những câu chuyện thể hiện các lối sống mà người Sài Gòn xưa nay không khoái lắm.

Câu chuyện thứ nhất: Anh Thái Hoàng Minh vốn là một người quen biết lâu năm của chúng tôi trong ngành du lịch; vốn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Xuất thân nghề giáo, nhưng những năm sau 1975, anh làm khách sạn Rex liên tục cho đến hôm nay.

Anh Minh đã phỏng vấn hàng trăm người để tuyển vào các nhà hàng mà anh có trách nhiệm quản lý. Không giống với nhiều nhà quản lý khác, khi tuyển người, anh Minh không quan tâm lắm về ngoại hình, trang phục… mà chỉ chú trọng đến năng lực thật sự của ứng viên.

Anh nói: Điều quan trọng là làm được việc, còn ngoại hình, trang phục thì khi vào làm sẽ phải tuân thủ theo quy định của cơ quan mà thôi! Tôi cho rằng đó chính là tính chất của người Sài Gòn. Thật vậy, xưa nay, người Sài Gòn không khoái lắm những người chỉ có dáng vẻ bề ngoài, ăn mặc có vẻ trông lịch sự nhưng không làm tốt được công việc.

Câu chuyện thứ hai: Khi điện thoại di động mới xuất hiện ở TP.HCM đến nay khoảng hơn 20 năm. Lúc ấy, chỉ có một số ít những người khá giả, có nhiều mối liên hệ xã hội mới có điện thoại di động.

Ngày nay thì rõ ràng ai cũng kè kè điện thoại di động và thế là có một số người đang chạy xe máy đã tự nhiên dừng lại giữa đường để nói chuyện điện thoại, lớn tiếng om sòm mặc cho dòng xe cộ xuôi ngược thời... kẹt xe; mặc những ánh nhìn nói thiệt là không thiện cảm lắm với người xung quanh.

Người Sài Gòn vốn không khoái chuyện ầm ĩ chốn đông người từ đường phố cho đến quán ăn, quán cà phê...

Khách vô quán ăn, quán nước ở Sài Gòn thường nói chuyện trò nho nhỏ đủ để bạn mình nghe - Ảnh tư liệu

Câu chuyện thứ ba: Sống ở Sài Gòn đến nay hơn nửa thế kỷ, một trong những người Sài Gòn mà tôi quen thân nhất chính là anh Đào Văn Bình lớn hơn tôi một con giáp. Anh Bình gia đình khá giả, làm nghề kim hoàn, nhưng rất thân thiện với xóm giềng.

 

Tôi quen biết anh qua những buổi sáng cùng uống cà phê của người Tàu ở một cái quán nằm ở ngã tư đường, gần nơi tôi cư ngụ. Anh Bình cho tôi biết rằng anh có khá nhiều học trò theo học nghề kim hoàn, hầu hết đều là chỗ quen biết với gia đình của anh gửi gắm.

Có lần anh Bình uống cà phê sáng với tôi với dáng vẻ không được vui, hỏi một hồi anh mới nói: Trước đó một hôm, nhân ngày giỗ Tổ nghề kim hoàn (9-2 âm lịch), anh đã thẳng tay đuổi một người đang học nghề với anh khi người này nói với anh là không đến dự lễ giỗ Tổ được vì bận họp  mặt bạn bè gì đó.

Anh Bình nói: "Đang học nghề của Tổ khai sáng và tương lai sẽ sống với nghề, mà đến ngày giỗ Tổ mà không sắp xếp thắp cho Tổ một nén nhang thì bạc nghĩa lắm, dạy khó vô?"

Chắc chắn đây cũng chính là tính cách của người Sài Gòn: không thích ai bạc tình bạc nghĩa!

Câu chuyện thứ tư: Xóm chợ Cầu Muối giờ thuộc phường Cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM), nơi tới sống từ hồi lên Sài Gòn ở từ 1965. Xóm chợ này ai cũng biết vốn chợ buôn bán hàng rau cải từ Đà Lạt chuyển về. Chủ các vựa rau cải đều là những người giàu có, vốn liếng lớn lao, tiền lãi thu được mỗi ngày bạc triệu.

Phục dịch công việc lên xuống rau cải giữa xe hàng vá các vựa, cho công việc bốc xếp, khuân vác, đẩy hàng rau cải giữa các vựa và khách hàng là đông đảo đội ngũ những bà con nghèo tứ xứ kiếm sống với  đồng tiền kiếm được ít ỏi bằng chính sức mình. Hai cảnh đời trái ngược như vậy đã sống bên nhau, dựa vào nhau trên nguyên tắc thỏa thuận  về thù lao rất sòng phẳng.

Tuy khác nhau về tiền bạc, nhưng có một điểm chung giữa chủ vựa và người lao động là đều rất dị ứng với những lối sống chỉ biết có riêng mình, không quan tâm, không giúp đỡ bất cứ ai cho dù thực cảnh rất nghèo!

Mọi người nói đó chính là tính cách của người Sài Gòn: sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, kẻ lỡ bước sa cơ; và tất nhiên ngược lại: không khoái lắm ai thờ ơ trước anh em, bà con, bạn bè..., nhất là khi họ đang sa cơ, thất thế…

... Trong thực tế cuộc sống, tính cách của người Sài Gòn khó ai kể hết. Bốn mẫu chuyện nhỏ kể trên chỉ muốn nêu lên bốn khía cạnh mà đa số dân Sài Gòn cũng có cùng một kiểu suy nghĩ, cùng một cách làm như nhau. Nếu không thì nhiều người Sài Gòn có lẽ cũng không trách móc, la lối gì mà chỉ lắc đầu: "Chơi vậy thì chơi với ai".

* Bài viết thể hiện quan điểm, suy nghĩ của tác giả.

* Bạn là người Sài Gòn, từng sống ở Sài Gòn... còn biết chuyện gì cụ thể mà bạn từng trải qua về những gì người Sài Gòn không khoái? Xin mời kể trong phần bình luận cuối bài.

 

TS HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên