Đại diện 4 bộ ký kết quy chế phối hợp liên ngành - Ảnh: TỐNG GIÁP
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển trong cả cuộc đời của mỗi trẻ.
Sự chăm sóc, giáo dục, bảo vệ một cách khoa học trong mỗi giai đoạn từ bào thai đến 1 tuổi, 5 tuổi và 8 tuổi sẽ phát huy tối đa tiềm năng của mỗi con người. Vì vậy, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách tổng thể phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia".
Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chỉ ra nhiều thách thức chăm sóc trẻ em như khoảng cách giàu nghèo và tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng kinh tế, dân tộc; nhiều bậc cha mẹ, cộng đồng chưa kịp thời cập nhật kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ theo hướng khoa học…
Do đó, quy chế chung giữa các bộ: Lao động - thương binh và xã hội, Giáo dục và đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Y tế tạo sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện quyền trẻ em - vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng quy chế chung có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hàng nghìn trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19, ngay cả bản thân các cháu cũng mắc bệnh.
Nhắc tới việc nhiều trẻ em không đến trường, trẻ mầm non không học trực tuyến do dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Ngô Thị Minh cho biết bộ đang tập trung trình Chính phủ các chính sách và giải pháp cấp bách. Mục đích nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Tạ Quang Đông cũng khẳng định bộ sẽ bảo đảm cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tầm vóc...
Việt Nam đang triển khai các chính sách chăm sóc cho bà mẹ thời kỳ mang thai và sau khi sinh; chăm sóc, giáo dục cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và trước tuổi tiểu học; ưu tiên cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thiệt thòi về cơ hội phát triển.
Qua đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 20%; tỉ lệ trẻ từ 3 - 36 tháng đến trường đạt hơn 28%, con số này ở lứa 3 - 6 tuổi là trên 92%; số trẻ bị tai nạn thương tích giảm dần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận