Phóng to |
Sau khi bơm, heo no nước nằm bất động trên sàn - Ảnh: Đ.Vịnh |
Dưới đây là những gì đang xảy ra tại Xí nghiệp chế biến lâm súc sản, khóm Đông Thạnh B, P.Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang).
Ngang nhiên bơm nước
ÔngÔN HÒA THỊNH - phó Chi cục Thú y An Giang: Gian lận thương mại Theo quy định thì trước khi giết mổ 6 giờ không được đưa bất cứ thứ gì, kể cả nước sạch vào gia súc. Khi bơm nước, nước sẽ giữ lại trong các thớ thịt làm tăng trọng lượng nhưng thịt dễ nhiễm vi sinh nên mau bị ôi hỏng. Nếu bơm nước từ sông rạch, thịt gia súc có thể nhiễm một số vi khuẩn gây bệnh. Đây là hành vi gian lận thương mại, khiến thịt kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Xí nghiệp chế biến lâm súc sản nằm giữa khu đất khá rộng, xung quanh đều xây tường cao bao kín, ngoài cổng chính còn mở thêm một cửa phụ ở bên hông. Ngay phía ngoài cửa phụ này là bãi đất trống, trên đó dựng sẵn những dãy chuồng tạm có lắp đặt đường ống lấy nước trực tiếp từ con rạch Cái Dung. Đêm đến, heo từ trong xí nghiệp được lùa ra, đưa vào dãy chuồng tạm này. Công nhân lấy dây siết chặt vào hàm trên của từng con heo, buộc chúng sát vào thành chuồng. Các đầu ống lần lượt đút vào họng thọc thẳng xuống bao tử của từng con heo, tiếng heo kêu vang trời. Cứ bơm nước qua một vòng thì người bơm nước quay lại bơm tiếp cho đến khi bụng heo căng phình. Đàn heo nốc đầy nước, bị đừ ra, rồi được lùa vô lại xí nghiệp. Có con bị bơm nước quá nhiều, đứng không nổi cứ nằm bẹp xuống, có con bị sốc chết, phải lấy xe đẩy chở vào.
Sau khi bơm nước, heo được đưa trở lại các ô nhốt nằm cạnh khu giết mổ. Từ 22g trở đi, heo bị bơm thêm nước vài lần nữa, con nào cũng no nước, thân thể căng tròn nằm bất động, đến rạng sáng đưa vào giết mổ...
Tại khu nhốt bò của xí nghiệp, bò cũng được bơm nước với cách tương tự. “Lượng nước đưa vô sẽ thấm đều vào thịt, nên trọng lượng chúng tăng lên đáng kể. Nếu có kinh nghiệm và bơm nhiều lần thì mỗi con heo tăng từ 5kg, còn bò khoảng 15kg” - một người trong nghề tiết lộ.
Nước tại xí nghiệp lấy từ giếng khoan, còn nước bơm ở bãi đất trống ngoài cổng phụ lấy thẳng từ rạch Cái Dung lên. Con rạch này hứng nước thải từ khu giết mổ và từ các khu dân cư đổ ra. Thịt sau mổ được bạn hàng vào lấy đưa ra các chợ ở TP Long Xuyên và vài nơi khác, trong đó có huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
Hiện xí nghiệp cho 17 thương lái thuê mặt bằng, cơ sở để hạ mổ các loại gia súc. Một đội gồm bảy cán bộ của Chi cục Thú y tỉnh An Giang đóng tại đây thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Hai đơn vị này thu mỗi con heo 40.000 đồng, bò 100.000 đồng. Theo tìm hiểu, mỗi thương lái thuê hai nhóm nhân công vào đây làm, một đảm nhận khâu giết mổ với tiền công 35.000 đồng/con, một nhóm chuyên lo tắm rửa và bơm nước vào gia súc được trả 30.000 đồng/con. Bãi đất dành để bơm nước heo cạnh cổng phụ của xí nghiệp là của ông Năm Ê, hằng đêm mỗi người thuê trả cho ông này 100.000 - 200.000 đồng tùy số lượng heo.
Mọi chuyện diễn ra ngang nhiên, công khai, chẳng ai kiểm tra, ngăn chặn. Các cán bộ thú y mặc kệ trước diễn biến xung quanh, chẳng ngó ngàng tới. Chỉ khi gia súc mổ xong và đem treo lên giàn thì họ mới đến xem, đóng dấu lên thịt.
Không bắt được tận tay
Sau khi được xem những đoạn phim quay về việc bơm nước gia súc trước khi giết mổ, lãnh đạo xí nghiệp thẳng thắn nhìn nhận nạn bơm nước tồn tại từ lâu. Ông Lưu Tấn Phước - giám đốc xí nghiệp - cho biết xí nghiệp là cơ sở giết mổ tập trung duy nhất được phép hoạt động ở TP Long Xuyên, mỗi đêm 17 thương lái đưa vô từ 200-250 con heo và hơn 30-40 con bò, tất cả đều có bơm nước trước khi giết mổ. Riêng đàn heo do số lượng lớn, để tránh kiểm tra đột xuất, thương lái phải đưa ra ngoài bãi đất thuê của ông Năm Ê bơm nước. “Để nó diễn ra có phần trách nhiệm của chúng tôi, nhưng cái chính là do bên thú y. Gia súc đưa vô đây giết mổ đều phải tuân thủ đúng quy trình, quy định của thú y. Thú y có chức năng kiểm soát, có thẩm quyền xử phạt nhưng họ không làm” - ông Phước nói.
Ông Nguyễn Văn Phục - đội trưởng đội thú y kiểm soát giết mổ - giải thích hằng đêm dù chứng kiến cảnh bơm nước công khai nhưng với ba nhân viên trực thì không thể làm gì được trước số đông nhân công vốn rất hung hãn, từng tuyên bố “khử” ngay ai ngăn cản việc làm của họ. Đội đã báo cáo với Chi cục Thú y tỉnh, từ sau tết tới nay đoàn công tác liên ngành đến kiểm tra ba lần đều không bắt được quả tang nên không thể xử lý. Ông Phan Việt Cường - phó phòng thanh tra Chi cục Thú y - cũng nói đoàn công tác không bắt được tận tay nên không xử lý được. “Đoàn đã đến xí nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về giết mổ. Do việc bơm nước vào gia súc đem lại siêu lợi nhuận nên họ vẫn làm. Một con heo bơm nước thu lợi ít nhất 200.000 đồng, hơn 200 con heo thì mỗi đêm đã thu lợi trên 40 triệu đồng” - ông Cường nói.
Một số thương lái cũng khẳng định tất cả gia súc làm thịt tại xí nghiệp đều có bơm nước trước khi giết mổ. Họ giải thích lâu nay ở bên ngoài có nhiều điểm giết mổ lậu, ngoài chi phí thấp còn thường xuyên bơm nước nên giá thịt đưa ra thị trường luôn rất thấp. “Trước đây chúng tôi không hề bơm nước, cũng không muốn làm vậy. Nay nạn giết mổ lậu bơm nước đang tràn lan, cạnh tranh không lại bắt buộc tụi tôi phải bơm nước như họ để tồn tại” - ông Lợi, một thương lái, phân trần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận