Màn hóa thân thành vua Bảo Đại của học sinh lớp 11D3 (Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM) trong Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử tổ chức tại trường. Đây là một trong những hoạt động giúp học sinh yêu thích môn sử - Ảnh: H.HG.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong tháng 5-2022, các trường THPT trên cả nước phải công bố phương án sắp xếp tổ hợp môn lớp 10 để chuẩn bị triển khai chương trình mới. Nhưng hiện tại mọi việc đang tạm dừng để... nghe ngóng.
Nếu môn lịch sử là môn bắt buộc thì môn nào trong nhóm bắt buộc sẽ phải đưa ra lựa chọn? Nhóm môn lựa chọn phải sắp xếp lại như thế nào? Đây là vấn đề cần có hướng dẫn sớm nếu Bộ GD-ĐT điều chỉnh.
Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)
Thời điểm học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng
"Theo đúng tiến độ, trường tôi đã xây dựng xong phương án tổ hợp môn học lớp 10 tương ứng với cấu trúc các lớp 10 và công bố. Đây là thời điểm học sinh lớp 9 phải tham khảo thông tin để đăng ký nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Việc thay đổi ở môn lịch sử nếu xảy ra sẽ kéo theo nhiều thay đổi, trong đó chắc chắn phải điều chỉnh lại phương án bố trí tổ hợp môn học", cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.
Trường THPT Yên Hòa xây dựng các tổ hợp có môn lịch sử chiếm tỉ lệ nhiều hơn các môn lựa chọn khác. Nhưng theo cô Nhiếp, nếu hiện tại môn lịch sử chuyển sang môn bắt buộc, dạy đủ tại 15 lớp 10 thì trường sẽ thiếu giáo viên lịch sử.
"Theo chương trình cũ, môn lịch sử ở bậc THPT chỉ có 1 - 1,5 tiết/tuần. Nhưng ở chương trình mới là 2 tiết/tuần. Nếu thay đổi đưa môn lịch sử về dạy đại trà vào thời điểm này, sẽ khó khăn. Có lẽ khó khăn này không chỉ riêng trường tôi mà nhiều trường khác cũng gặp khó, ít nhất ở việc bố trí giáo viên", cô Nhiếp cho biết.
Cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho hay: "Chương trình lịch sử mới rất khác trước đây, không bám theo thông sử mà thiết kế theo chủ đề, trong đó có những chủ đề trước đây chúng tôi được học ở bậc đại học. Trong chương trình cũng vẫn có những chủ đề thuộc lịch sử Việt Nam, thế giới, nhưng không phải các bài học theo tiến trình, giai đoạn lịch sử mà tiếp cận theo các vấn đề bao quát hoặc chuyên sâu hơn. Cách xây dựng như thế này không phù hợp với chương trình đại trà".
Một số hiệu trưởng trường THPT cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo cần quyết định sớm nếu phải điều chỉnh. Bởi nếu không, các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị điều kiện cho dạy học chương trình mới vào năm học tới.
Quan trọng là làm cho học sinh yêu thích
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng việc giáo dục con người thì lựa chọn hệ giá trị để giáo dục cho học sinh cần xây dựng theo hệ thống, bao trùm ở tất cả các môn học, hoạt động chứ không phải "gán" cho lịch sử trọng trách này.
"Đừng cho rằng môn sử không bắt buộc thì nguy cơ mất nước. Hãy nghĩ đến việc giáo dục giá trị truyền thống, ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm của các công dân trẻ bằng nhiều hoạt động thiết thực hơn. Trong đó, điều quan trọng là làm cho học sinh thấy yêu thích, ý nghĩa, sự bổ ích. Khi các em bị thu hút, các em sẽ lựa chọn, sẽ tự nguyện tham gia thay vì chỉ đối phó", ông Hòa nói.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng những học sinh không học lịch sử không có nghĩa các em đó sẽ không yêu nước vì lòng yêu nước được vun đắp bằng nhiều cách.
"Trong chương trình giáo dục có trong nhiều môn học. Nhưng điều cốt yếu, nó lệ thuộc vào cách làm, cách tổ chức các hoạt động đa dạng trong mỗi trường. Nên nếu vin vào việc giáo dục lòng yêu nước để điều chỉnh ép môn lịch sử vào nhóm bắt buộc thì không phù hợp và sai so với mục tiêu thiết kế chương trình THPT", ông Khang nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc dạy học môn lịch sử bậc THPT trong chương trình này. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
* Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM):
Chưa dạy học sinh tư duy lịch sử
Khi học sinh không thích thì việc ép buộc không mang lại hiệu quả tích cực, mà còn gây căng thẳng, lãng phí cho cả giáo viên và học sinh. Cách dạy sử trong trường phổ thông còn nghiêng về hướng ghi nhớ lịch sử, chưa dạy cho học sinh tư duy lịch sử. Người học phải ghi nhớ nhiều sự kiện, con số, không thu nhận được những giá trị trong nhận thức để áp dụng vào thực tiễn từ môn học này. Nói cách khác mới chỉ dạy bề nổi mà chưa truyền đạt được giá trị cốt lõi nên không thu hút được học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận