Khó khăn thị trường tác động cân đối ngân sách
Những khó khăn từ thị trường bất động sản, ngân hàng đã tác động không thuận lợi tới cân đối ngân sách nhà nước năm nay.
Năm 2023, ước thu cân đối ngân sách đạt dự toán là hơn 1,62 triệu tỉ đồng; bội chi ở mức 4% GDP, thấp hơn dự toán Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm (4,42% GDP).
Riêng so với năm 2022, bội chi năm nay tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm. Tính theo quy mô GDP 2022 (409 tỉ USD), thì mức bội chi 2023 gần 16,4 tỉ USD.
Với tình hình vay, trả nợ công 2023-2024, huy động vốn đảm bảo nhu cầu chi của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển và trả nợ gốc. Công tác trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết của Chính phủ.
Việc cho vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh của Chính phủ đảm bảo trong hạn mức được duyệt.
Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong mức trần, ngưỡng an toàn được Quốc hội quyết định.
Như vậy đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 39-40% GDP. Nợ Chính phủ khoảng 36-37% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 37-38%.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách.
Trả nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 7-8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo trong giới hạn Quốc hội cho phép là 25%.
Năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương là 621.015 tỉ đồng. Trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỉ đồng (bằng 4,18% GDP), vay để trả nợ gốc 190.515 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ phê duyệt vay về cho vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 23.394 tỉ đồng.
Chính phủ đã huy động vốn từ các nguồn vay trong nước và vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Năm nay Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động vốn đạt gần 94% kế hoạch Quốc hội phê chuẩn, khoảng 604.379 tỉ đồng.
Trả nợ theo đúng cam kết
Trong đó, vay về cho vay lại 14.626 tỉ đồng. Hơn 90% vốn huy động năm nay từ nguồn trong nước, thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, khoảng 547.085 tỉ đồng.
Kỳ hạn trái phiếu bình quân 12,6 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,7-4% một năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với 2022 (3,48% một năm).
Còn lại, gần 10% từ vốn vay ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, khoảng 57.294 tỉ đồng. Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển năm 2023 và các năm tới, Chính phủ dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán, ký kết 17 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… với tổng trị giá khoảng 1,87 tỉ USD. Trong số này, vay từ Nhật Bản 50 tỉ yen, Ngân hàng Thế giới gần 264 triệu USD.
Năm 2023, Chính phủ cũng cho biết việc trả nợ năm nay được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng trả nợ của Chính phủ là 311.537 tỉ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp ước đạt 279.742 tỉ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỉ đồng, bằng 93,8% kế hoạch.
Với ngân sách địa phương, tổng số vay trong năm khoảng 15.920 tỉ đồng (giảm 11.278 tỉ đồng so với mức vay Quốc hội duyệt là 27.198 tỉ đồng). Các địa phương phải trả nợ gốc khoảng 2.648 tỉ đồng (giảm 156 tỉ đồng so với mức 2.804 tỉ đồng theo dự toán của Quốc hội).
Với số liệu vay, trả nợ này, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm 2023 khoảng 13.271 tỉ đồng, giảm 11.729 tỉ đồng so với dự toán Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận