TTCT - Mỹ tăng cường hoạt động của các tàu quân sự tại Biển Đông trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì nhiều vấn đề gai góc: cuộc thương chiến, vấn đề Đài Loan, và những lệnh cấm vận nhắm vào Huawei. Ngụ ý của sự xoay chuyển cục diện mới với tự do hàng hải trong khu vực là thế nào? Sơ đồ chuyến FONOP đầu tiên của hải quân Mỹ ở Biển Đông thời Trump. Ảnh: amti.csis.orgReuters ngày 20-5 đưa tin: “Một tàu chiến Mỹ (khu trục hạm USS Preble) đã đi qua gần rạn san hô tranh chấp Scarborough... ở Biển Đông, một động thái nhiều khả năng chọc giận Bắc Kinh vào lúc quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang căng thẳng”.Hãng tin này dẫn lời người phát ngôn hạm đội 7 Clay Doss tuyên bố rất rõ ràng: “Tàu Preble đi vào trong phạm vi 12 hải lý cách rạn san hô Scarborough để thách thức những tuyên bố chủ quyền thái quá và bảo vệ quyền tiếp cận những vùng nước này theo luật pháp quốc tế”.Trước đó hai tuần, Hãng tin Mỹ Bloomberg 6-5 thông báo: “Lần thứ ba trong năm nay, hai tàu chiến Hoa Kỳ đã chạy gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông hôm thứ hai (6-5), thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại sôi sục”.Hai tàu khu trục có trang bị tên lửa hành trình USS Preble và USS Chung-Hoon đã vượt qua phạm vi 12 hải lý của các rạn san hô Ga Ven và Johnson (tức Gạc Ma, Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam). Cũng theo lời Clay Doss, “động thái này nhằm mục đích khẳng định các quyền quốc tế với việc đi qua vô hại và thách thức các yêu sách hàng hải thái quá”.Ông Doss nhấn mạnh: “Tất cả các hoạt động này tuân thủ luật pháp quốc tế”, và khẳng định Hoa Kỳ sẽ “bay qua, đi tàu qua, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.Đương nhiên, Trung Quốc phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hải quân của nước này đã nhận dạng các tàu trên và phát đi cảnh báo yêu cầu các tàu đó rời đi, đồng thời quả quyết: “Những động thái có liên quan của các tàu chiến Hoa Kỳ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và phá hoại hòa bình và an ninh ở các vùng biển liên quan. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó”.Ý nghĩa của tự do hàng hảiÝ chính trong phát biểu của người phát ngôn hạm đội 7 - “nhằm thách thức các yêu sách hàng hải thái quá” - là nền tảng cho các chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) của Hoa Kỳ. Ngay từ khi liên bộ Ngoại giao - Quốc phòng Mỹ cùng bắt đầu chương trình FONOP vào năm 1979, đấy đã được định nghĩa là sự thách thức chính thức đối với những gì Hoa Kỳ coi là “yêu sách hàng hải thái quá” của các quốc gia khác.Biên bản ghi nhớ cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngày 1-2-1979, đề mục “chính sách đi lại trên biển bằng tàu và bằng đường hàng không” nêu rõ: “Hoa Kỳ cần thực hiện các quyền của mình trong chừng mực có thể khi đối mặt với các yêu sách bất hợp pháp và tránh những hành động có thể bị coi là chấp thuận cho những yêu sách bất hợp pháp như thế”.Trong khi đó, Trung Quốc lại có cách giải thích riêng với Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), buộc tàu thuyền và tàu chiến nước ngoài phải xin phép và được Trung Quốc cho phép trước để có thể “đi qua một cách vô hại” tại khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của họ.Vấn đề là theo UNCLOS, các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép không được quyền có lãnh hải 12 hải lý như những hòn đảo thực sự. Đó là lý do tại sao các chiến hạm Mỹ đi vào vùng đó mà không xin phép Trung Quốc. Do lẽ nếu xin phép, chính là thừa nhận cái gọi là chủ quyền áp đặt đơn phương đó.Những chuyến FONOP dồn dập tháng 5 này là các chuyến thứ 11 và 12 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, mới được 2 năm gần 4 tháng. So với chỉ 6 chuyến dưới trào tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, quả là cả một sự khác biệt lớn.Dưới trào Obama, mãi đến năm 2015, hạm đội 7 Mỹ mới bắt đầu thực thi FONOP sau khi đã im lìm trong suốt năm 2014, năm mà giàn khoan HD 981 của Trung Quốc được đưa vào khu vực Biển Đông gần đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa (ngày 1-5-2014) gây biết bao sóng gió! Sự im lìm đó đương nhiên là hữu ý.Phải đợi đến tháng 5-2016, nhân chuyến công du Việt Nam cuối nhiệm kỳ, ông Obama mới tuyên bố “Washington sẽ sát cánh với các đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và các quốc gia lớn không nên bắt nạt những nước nhỏ hơn”. Ông cũng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận của Hoa Kỳ về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.Khu trục hạm USS Preble, chiếc tàu chiến Mỹ thực hiện chuyến FONOP mới nhất ở Biển Đông. Ảnh: WikipediaFONOP thời TrumpÔng Trump nhậm chức chính thức từ hôm 21-1-2017, song đến tháng 5 vẫn không có động thái gì đáng kể ở Biển Đông khiến truyền thông Hoa Kỳ sốt ruột. CNN 5-5-2017 giật tựa: “Hoa Kỳ đang tính ra khỏi Biển Hoa Nam (Biển Đông) dưới trào Trump?”. “Chính quyền Trump dường như đang đấu dịu với Bắc Kinh ở Biển Đông, như một nhượng bộ khác với Trung Quốc, bởi tân tổng thống Mỹ đang mong mỏi một giải pháp ở Triều Tiên” - hãng tin này bình luận.Gần 20 ngày sau bài báo của CNN, chuyến FONOP đầu tiên thời Donald Trump mới được thực hiện. Ngày 24-5-2017, tàu khu trục USS Dewey di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của bãi Mischief Reef ở quần đảo Trường Sa. Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ học (ICAS), trụ sở tại Washington D.C., ghi chép vụ này chi tiết hơn: “24-5, chiếc USS Dewey... đã di chuyển ở khoảng cách 6 hải lý so với căn cứ Mischief Reef (Vành Khăn) thuộc Trường Sa”.Cách 6 hải lý chớ không chỉ 12 hải lý, một sự áp sát khá “nóng”. Chuyến FONOP ấy còn được nối tiếp sau đó hôm 8-6-2017 bởi hai oanh tạc cơ tàng hình B-1B Lancer của không lực Mỹ, kéo dài 10 tiếng bay, từ căn cứ Andersen ở Guam, trong đợt huấn luyện cùng khu trục hạm USS Sterett trên Biển Đông trong khuôn khổ chương trình “Oanh tạc cơ hiện diện liên tục” (CBP) của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhằm cho phép không quân và hải quân Mỹ tăng khả năng hoạt động liên hợp.Đến ngày 3-7-2017, tàu khu trục Mỹ USS Stethem lại chạy vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn do Trung Quốc chiếm đóng. Hơn ba tháng sau, ngày 8-10-2017, chiếc USS John S. McCain thực thi tự do hàng hải quanh bãi đá Mischief Reef.Tờ Wall Street Journal ngày 3-9-2017 giải thích tại sao phải đợi lâu các chiến dịch FONOP. Theo đó, nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã lên kế hoạch tiến hành FONOP ở Biển Đông cho nhiều tháng tới, nhằm loại bỏ hẳn những yếu tố chính trị thường chi phối thời gian và địa điểm diễn ra các cuộc tuần tiễu kiểu này dưới thời Obama trước kia, trả lại ý nghĩa hoạt động quân sự đơn thuần của chúng.Các cuộc FONOP tiếp tục diễn ra cho tới biến cố 2-10-2018, khi chiếc USS Decatur, vốn từng thực thi tự do hàng hải vào tháng 10-2015 ở khu vực hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm, bất ngờ bị một tàu khu trục Trung Quốc lớp Luyang, mang số hiệu 170 rượt húc trong khi đang “tự do hàng hải” ở khu vực đảo Gaven và đảo Gạc Ma trong phạm vi 12 hải lý, may mà tàu này bẻ lái tránh kịp.Phản ứng của Trung Quốc bị phía Mỹ gọi là “vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp”. Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông Bonnie Glaser giải thích trên USNI: “Trong trường hợp cụ thể này, hai thực thể này nhỏ và không nằm trong số các căn cứ quan trọng mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông... điều có nghĩa Decatur lẽ ra sẽ thực hiện việc đi qua vô hại dễ dàng”.Về lý do phản ứng mạnh bạo của Trung Quốc, Glaser thử đưa ra một giải thích: “Lý do khiến Trung Quốc có lập trường mạnh mẽ hơn liên quan nhiều đến những bất đồng khác gần đây với Hoa Kỳ. Những căng thẳng xung quanh thuế suất thương mại và một thỏa thuận vũ khí quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan... Đây là bằng chứng cho thấy rằng những căng thẳng ở một khu vực có thể tràn sang một khu vực khác”.Sang năm nay, Mỹ đã liên tiếp thực hiện FONOP từ cuối tháng 1 cho tới giờ. Phải chăng, dù ít dù nhiều, tình cảnh một người một chợ ở Biển Đông tùy ý áp đặt có thể nhờ thế mà bớt đi phần nào?■FONOP là không đủ?Đầu tháng 1-2019, Zack Cooper (Viện Nghiên cứu Mỹ) và Gregory Poling (giám đốc Cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á) ký chung một bài viết tựa đề “Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ thất lạc trên biển”, đăng trên chuyên san Foreign Policy.Hai tác giả cho rằng FONOP không hiệu quả và đề xuất ba bước cần thực hiện, trong đó mới mẻ nhất là bước thứ ba. Các tác giả cho rằng Mỹ phải xem xét khả năng trừng phạt các thực thể Trung Quốc vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông: “Giống như việc cả chính quyền Obama lẫn Trump đều muốn Nga phải chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng do việc sáp nhập Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở đông Ukraine.Đối với Bắc Kinh, Washington cũng nên công bố hoạt động của công ty Trung Quốc trong các ngành như đánh cá, du lịch và xây dựng, hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, cấm các công ty này hoạt động ở Mỹ, và thuyết phục các nước đồng minh, đối tác làm điều tương tự.Tất nhiên, những biện pháp này không thể thay đổi hành xử của Trung Quốc trong một sớm một chiều nhưng sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tính toán lại, thỏa hiệp một cách thiết thực, thẳng thắn với các láng giềng, và cũng cho thấy Mỹ có một chiến lược rộng lớn hơn ở Biển Đông để bảo vệ không chỉ quyền lợi của Mỹ mà cả quyền lợi của các đồng minh và đối tác”. Tags: Biển ĐôngTự do hàng hảiFONOP
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).