Trong thông báo ngày 1-7, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ xác nhận đã đạt thỏa thuận mua lại nhà thầu phụ là công ty sản xuất thân máy bay Spirit Aero, giữa lúc hãng đối mặt với khủng hoảng về kiểm soát chất lượng trong khâu sản xuất.
Củng cố chất lượng máy bay Boeing
"Việc sáp nhập là giao dịch hoàn toàn bằng cổ phiếu với giá trị vốn sở hữu khoảng 4,7 tỉ USD, tương đương 37,25 USD mỗi cổ phiếu", Hãng tin AFP dẫn thông báo của Boeing cho biết.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Dave Calhoun khẳng định thỏa thuận này mang lại lợi ích tốt nhất cho hành khách đi máy bay của hãng, các nhân viên của Spirit và Boeing, cũng như các cổ đông.
Theo ông Calhoun, việc mua lại Spirit Aero giúp Boeing điều chỉnh hoàn toàn các hệ thống sản xuất thương mại, bao gồm hệ thống quản lý chất lượng và an toàn.
Spirit Aero sản xuất thân máy bay và các bộ phận quan trọng khác cho cả Boeing và hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu.
Trong khi đó, Boeing cho đến nay là khách hàng lớn nhất của Spirit Aero, với khoảng 70% doanh thu đến từ nhà sản xuất máy bay Mỹ vào năm 2023.
Hiện Boeing đang cố gắng vượt qua một năm đầy khó khăn do sự cố bung cửa máy bay 737 MAX 9 vào ngày 5-1, bộc lộ nhiều vấn đề về an toàn và chất lượng, khiến Boeing cũng như ngành hàng không thương mại toàn cầu sụt giảm đáng kể về sản lượng.
Cuộc điều tra của Alaska Airlines tập trung vào việc thiếu bu lông trên chốt cửa của phần thân máy bay do Spirit sản xuất.
Boeing đã chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý tại Cục Hàng không Liên bang Mỹ và buộc công ty giải quyết các mối lo ngại về an toàn, bao gồm cả việc giám sát nhà thầu Spirit Aero.
Boeing đối mặt án phạt nửa tỉ USD
Ngày 30-6, các nguồn tin và luật sư cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang thúc Boeing chấp nhận một thỏa thuận nhận tội để tránh bị truy tố liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX, khiến gần 350 người thiệt mạng trong hai năm 2018 và 2019.
Boeing bị cáo buộc đã vi phạm thỏa thuận dàn xếp trước đó vào năm 2021, trong đó hãng đã đồng ý trả 2,5 tỉ USD cho cáo buộc gian lận liên quan đến giấy chứng nhận dòng máy bay 737 MAX.
Hãng tin Reuters cho biết thỏa thuận mới bao gồm khoản phạt tài chính 487 triệu USD và thành lập một cơ quan giám sát độc lập để kiểm tra các hoạt động tuân thủ và an toàn của Boeing trong 3 năm.
Boeing có thời hạn đến cuối tuần này để phản hồi về đề xuất trên, trước khi các công tố viên Mỹ đưa vụ việc ra tòa án.
Bất chấp sức ép từ các gia đình nạn nhân đòi buộc tội Boeing vì các vụ tai nạn hàng không, các công tố viên cũng phải cân nhắc việc gây thiệt hại thêm cho Boeing, một công ty được coi là quan trọng đối với ngành hàng không cũng như an ninh quốc gia của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận