Chiếc Boeing 737 MAX 8 tại cơ sở của Boeing ở Renton, Washington tháng 12-2015 - Ảnh: REUTERS
Lý do là các thanh tra của FAA biết có vấn đề trong Hệ thống cảnh báo an toàn tự động (MCAS) của dòng máy bay này. Theo nguồn tin thông thạo về vấn đề này kể với AFP, trước khi xảy ra tai nạn máy bay của hãng Lion Air của Indonesia vào tháng 10-2018, các thanh tra FAA đã phát hiện phía Boeing đã vô hiệu hóa đèn tín hiệu được thiết kế để cảnh báo phi công khi hệ thống MCAS gặp sự cố.
Vấn đề này hiện bị nghi là nguyên nhân gây ra 2 vụ tai nạn máy bay của Lion Air (tháng 10-2018) và Ethiopian Airlines (3-2019) khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Hãng bay Mỹ cho biết không được Boeing thông tin
Các thanh tra này chịu trách nhiệm giám sát hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của Mỹ là Southwest Airlines - hãng sử dụng nhiều máy bay Boeing 737 MAX nhất khi đó (34 chiếc).
Nhóm thanh tra đã đưa ra giả thuyết đèn tín hiệu này bị tắt khi họ tiến hành kiểm tra để xác định có cần huấn luyện bổ sung cho các phi công lái dòng máy bay này hay không.
Sau khi tranh cãi, nhóm thanh tra đã loại bỏ giả thuyết này, và vấn đề đã không được đưa lên FAA xem xét. Nhật báo Wall Street Journal của Mỹ cũng đã xác nhận thông tin này.
Nhóm thanh tra biết được rằng Boeing đã quyết định đèn hiệu cảnh báo nói trên do khách hàng tùy chọn và sẽ tính thêm phí. Boeing đã vô hiệu hóa đèn tín hiệu này ở tất cả các máy bay 737 MAX giao cho Southwest Airlines mà không thông báo với hãng hàng không này.
Một người phát ngôn của Southwest Airlines khẳng định cả hãng hàng không và phi công của hãng đều không nắm được chi tiết thay đổi này khi bắt đầu đưa vào sử dụng loại máy bay này vào năm 2017.
Người khẳng định Southwest Airlines chỉ biết đến thông tin trên sau vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air. Khi đó, Boeing thông báo với hãng hàng không này rằng đèn tính hiệu cảnh báo sự cố của MCAS đều được mặc định ở trạng thái tắt trừ khi khách hàng yêu cầu thiết kế bật tín hiệu này.
Người phát ngôn của cơ quan FAA chỉ cho biết đèn tín hiệu trên "do khách hàng tùy chọn". Trong khi đó đại diện của Boeing trả lời với hãng tin AFP rằng từ giờ đèn tín hiệu cảnh báo là "cấu thành cơ bản và miễn phí" trong hệ thống MCAS.
Dòng máy bay 737 MAX của hãng Boeing đã bị cấm hoạt động sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng 3 vừa qua, làm thiệt mạng 157 người và vụ tai nạn của hãng Lion Air khiến 189 người thiệt mạng.
Theo giới chức Ethiopia và một số nhà phân tích, hai vụ tai nạn này có nhiều điểm tương đồng, song đến nay chưa xác định được nguyên nhân hai vụ tai nạn này. Trong khi đó, Boeing đang nỗ lực hiệu chỉnh hệ thống MCAS để dòng máy bay này được bay trở lại.
Các máy bay Boeing 737 MAX trong xưởng của Boeing ở Renton, Washington tháng 3-2019 - Ảnh: REUTERS
FAA tìm cách xoa dịu dư luận
Cơ quan FAA đã thông báo mời giới chức quản lý hàng không toàn cầu tới tham dự một diễn đàn về mẫu máy bay Boeing 737 MAX vào tháng tới trong bối cảnh cơ quan này đang đối mặt với những chỉ trích về quy trình cấp phép.
Dự kiến, diễn đàn do FAA tổ chức sẽ diễn ra trong ngày 23-5 ở Washington với mục đích phác thảo cho các nhà quản lý hàng không dân dụng quy trình đưa mẫu 737 MAX trở lại sau khi bị cấm bay trên toàn cầu.
Thành phần khách mời gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý hàng không ở Trung Quốc, Canada, Brazil, Ethiopia, Indonesia và các quốc gia châu Âu, trong đó không bao gồm đại diện các công ty chế tạo máy bay.
Người phát ngôn của FAA cho biết diễn đàn sẽ thảo luận về những hoạt động của FAA nhằm đảm bảo Boeing 737 MAX sẽ được đưa vào sử dụng trở lại một cách an toàn. FAA sẽ cung cấp cho những người tham dự diễn đàn một bản phân tích an toàn thông báo quyết định đưa 737 MAX trở lại phục vụ tại Mỹ khi sẵn sàng, đồng thời mời các chuyên gia an toàn tới diễn đàn để giải đáp các thắc mắc của những người tham dự về quyết định của FAA.
FAA, vốn là cơ quan quản lý hàng không rất có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, sau 2 tai nạn cùng xảy ra với mẫu Boeing 737 MAX trong chưa đầy 6 tháng, FAA đã chịu nhiều chỉ trích vì không lập tức yêu cầu dừng khai thác mẫu máy bay này sau vụ tai nạn đầu tiên và bị nghi ngờ là có mối quan hệ thân thiết với hãng chế tạo máy bay của Mỹ.
FAA cũng chỉ yêu cầu ngừng khai thác mẫu máy bay này sau khi một số cơ quan quản lý hàng không lớn khác như Trung Quốc và châu Âu đưa ra quyết định này. Cơ quan quản lý hàng không Mỹ cũng bị chỉ trích vì chính sách cho phép thuê một đơn vị bên ngoài thực hiện một trong các bước thẩm định cấp phép cho Boeing.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận