Đi đôi với việc tăng sản lượng là hàng loạt vấn đề còn tồn đọng như chuỗi cung ứng, nguồn cung phụ tùng và cả lo ngại về chất lượng máy bay.
Dự báo lạc quan
Hôm 15-7, công ty sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã điều chỉnh mức tăng nhu cầu máy bay phản lực lên 48.230 chiếc, tức tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới.
"Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ ở châu Á và Trung Đông, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, lưu lượng giao thông hàng không nội địa tại Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ" - ông Bob Lange, giám đốc phân tích và dự báo thị trường của Airbus, cho biết.
Đến ngày 20-7, Boeing - công ty sản xuất máy bay của Mỹ đồng thời là "kỳ phùng địch thủ" của Airbus - cũng nâng dự báo nhu cầu máy bay trong 20 năm tới tăng gấp đôi lên 43.975 chiếc.
Sau đại dịch COVID-19, các nhà sản xuất máy bay phải vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, thiếu nguồn cung phụ tùng cũng như các vấn đề khác về chuỗi cung ứng để kịp cung cấp các máy bay mới.
Những nhà sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing và Airbus hiện vẫn đang chật vật để có thể theo kịp nhu cầu gia tăng đáng kể của thị trường, trong khi nhiều hãng hàng không phải chờ đợi suốt nhiều năm để thay máy bay mới.
Theo các chuyên gia của Boeing, nhờ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của xã hội, sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng hàng không cũng như nhu cầu thay thế các máy bay đã cũ và kém hiệu quả là những lý do giúp thúc đẩy số lượng máy bay mới trong tương lai.
Trong khi đối thủ Boeing khá chật vật hay thậm chí mất đi hàng triệu USD vì các vấn đề pháp lý và các sự cố liên quan chất lượng máy bay gần đây, Airbus có vẻ nhìn thấy những triển vọng lạc quan hơn.
Các chuyên gia nhận định triển vọng tích cực của Airbus về sản lượng máy bay thương mại trong giai đoạn tới có thể là điểm sáng cho toàn ngành hàng không.
Nhiều thách thức
Theo trang Airport Technology, sự tăng trưởng về nhu cầu máy bay sẽ là tin tích cực đối với ngành hàng không nhưng đây cũng có thể sẽ là rắc rối cho ngành sản xuất nói chung và ngành sản xuất máy bay nói riêng, vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực với các vấn đề ngày càng tăng về chuỗi cung ứng, cũng như những lo ngại và hoài nghi về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Mặc dù cho đến nay, phần lớn những chỉ trích của dư luận đều nhắm vào Boeing nhưng Airbus vẫn không hẳn là "dễ thở" khi cổ phiếu của hãng này giảm mạnh sau khi hãng này công bố triển vọng doanh thu mới của năm 2024.
Đại diện Airbus tiết lộ các nhà đầu tư cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung phụ tùng và các vấn đề trong quá trình giao hàng động cơ máy bay đã buộc công ty này phải giảm số lượng máy bay xuất xưởng từ 800 chiếc xuống còn 770 chiếc trong năm 2024, đồng thời điều chỉnh lợi nhuận hàng năm từ 7 tỉ euro xuống còn 5,5 tỉ euro.
Ngoài những câu hỏi còn bị bỏ ngỏ về vấn đề chuỗi cung ứng, nguồn cung phụ tùng hay sự hoài nghi về chất lượng máy bay, màn đối đầu đầy kịch tính giữa ngành hàng không và những nhà hoạt động môi trường được dự đoán sẽ càng trở nên gay gắt hơn khi số lượng máy bay tăng lên.
Theo Hãng tin Reuters, những dự báo về sự hồi phục của ngành hàng không ở thời kỳ sau đại dịch COVID-19 đã đưa ngành này vào thế đối đầu trực tiếp với các nhóm bảo vệ môi trường. Bởi từ lâu, những nhà hoạt động môi trường vẫn luôn phản đối mọi thành tích của ngành hàng không trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tờ Telegraph (Anh) gọi dự đoán của Boeing là một đòn đau đớn giáng vào các nhà vận động vì khí hậu - những người chỉ trích việc sử dụng máy bay để bảo vệ môi trường.
Ngành hàng không cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng mọi biện pháp, trong đó ý tưởng dùng dầu ăn thừa thay thế nhiên liệu được coi là chìa khóa để cắt giảm lượng khí thải CO2 tạm thời, trong khi chờ đợi công nghệ sản xuất nhiên liệu mới ra đời.
Tuy nhiên ý tưởng lấy dầu ăn thừa làm nhiên liệu vận hành máy bay được giới quan sát đánh giá là rất tốn kém và khối lượng có sẵn của loại "nhiên liệu" này cũng rất thấp.
Đáp trả những lên án của các nhà hoạt động môi trường, Airbus tin rằng việc xuất xưởng các máy bay phản lực mới của hãng sẽ góp phần giảm lượng khí thải, hỗ trợ quá trình phát triển nhiên liệu xanh của nhân loại.
Ít máy bay "nghỉ hưu" hơn
Ông Darren Hulst, phó chủ tịch về tiếp thị thương mại của Boeing, cho biết tỉ lệ máy bay cũ "về hưu" giảm 50% trong vòng bốn năm qua vì thiếu máy bay mới đưa vào thị trường.
Trong giai đoạn 2020-2023, tốc độ loại bỏ máy bay chỉ bằng một nửa tốc độ của thập niên 2010. Gần 1/3 trong số 26.750 máy bay đang hoạt động sẽ vẫn hoạt động trong 20 năm nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận