Tranh biếm phụ huynh xưa và nay của tác giả Daryl Cagle, Mỹ
Tôi xót xa khi đọc câu chuyện phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi. Từ câu chuyện ấy, tôi nghĩ về giới hạn nào cho phụ huynh trong việc giáo dục con trong nhà trường?
Con hư là tại...thầy cô?
Tôi cứ suy nghĩ mãi về trào lưu can thiệp vào giáo dục của một số phụ huynh thời nay. Họ trả một khoản tiền và giao phó hết cho nhà trường giáo dục con. Nếu con cái hư, chọ cho rằng nhà trường chưa giáo dục đến nơi đến chốn. Nếu con học kém, họ chê trình độ của giáo viên trong trường chưa đạt chuẩn.
Phụ huynh có nhiều lý do để chê trách, để đổ lỗi mà không nhìn nhận lại, mình đã làm tròn trách nhiệm giáo dục con ngay từ trong gia đình hay chưa?
Nhiều người bạn làm giáo viên của tôi vẫn tâm sự sợ phụ huynh, sợ hành động dạy dỗ học trò của mình bị tung lên mạng. Phụ huynh tự cho mình cái quyền săm soi, xét nét giáo viên có phạm lỗi gì không thì đến để "nói chuyện phải trái".
Mạnh hơn, nhiều bậc cha mẹ còn ghi lại và tung lên mạng để chỉ trích thầy cô nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, thậm chí tạo sức ép đuổi việc giáo viên.
Phụ huynh luôn tự cho mình quyền năng có thể điều khiển được hành vi của thầy cô. Họ mượn mạng xã hội để lên án và hạ uy tín của giáo viên, hả hê khi giáo viên bị "ném đá" tơi bời.
Nhưng chung quy lại, cuối cùng họ nhận lại được gì? Giáo viên bị đuổi việc? Hay con cái họ sẽ trưởng thành hơn từ việc làm của cha mẹ? Hay họ tự nghĩ mình là "người hùng"?
Ngẫm nghĩ, hạ tư cách giáo viên của con, liệu đó có phải là đòi quyền lợi cho các con như suy nghĩ của nhiều phụ huynh?
Tôi nghĩ là không hẳn, "bóc mẽ" thầy cô không chứng minh được tư cách của chính mình, không tạo được môi trường giáo dục lành mạnh, tốt nhất cho con. Nó chỉ tạo sự hằn thù, ăn thua trong lòng trẻ mà thôi.
Bỏ tiền 'mua' kiến thức cho con
Nhiều người cho rằng giáo dục nghĩa là phụ huynh bỏ tiền ra để thuê nhà trường và giáo viên dạy dỗ con em mình. Vì thế giáo viên phải có trách nhiệm với thành tích, sự thành công của học trò. Nếu giáo viên "xâm phạm" đến học trò nghĩa là phản giáo dục, dẫu cho sự xâm phạm đó vì mục đích dạy dỗ và muốn học sinh tiến bộ, tốt hơn.
Chính vì tâm lý đánh đổi tiền bạc để "mua" về kiến thức cho con, nhiều bậc phụ huynh lầm đường lạc bước, cứ hễ con về "méc" là hầm hầm trách móc giáo viên, mặc dù chưa biết cơ sự thế nào.
Vì "niêu cơm" của mình, nhiều giáo viên chọn lối giáo dục nhẹ nhàng, im lặng cho lành, không dám quở trách học sinh kể khi các em hư hỏng, đánh nhau, cãi thầy cô… Dần dà, trẻ sẽ nảy sinh tư tưởng có "lá chắn" là bố mẹ nên được đà làm tới.
Thực tế giáo dục đâu phải đơn thuần là cuộc trao đổi, bán mua, mà giáo dục là nơi cho trẻ lĩnh hội những kiến thức để thành công và những bài học để làm người.
Đừng cho rằng việc con đến trường là để có kiến thức làm "ông nọ bà kia". Hãy dạy cho trẻ về việc học để trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ như thế, đứa trẻ mới ý thức được ý nghĩa của việc đến trường mỗi ngày.
Muốn vậy, trước khi mong chờ vào nhà trường, ngay từ ở nhà, phụ huynh phải tạo được một môi trường sống lành mạnh, giàu tình yêu thương, có niềm tin vào nhau và tôn trọng nhau. Chúng ta nên phân biệt giữa nghiêm khắc và ghét bỏ trong giáo dục.
Thật sự tôi khá bất ngờ khi nhiều phụ huynh đang xem mình là thượng đế, giáo viên phải phục tùng. Thực tế giáo viên không thể dạy được trẻ khi mà phụ huynh kiến thiết cho trẻ cái quyền xem mình cũng như một thượng đế.
Có bao giờ phụ huynh tự hỏi: trẻ sẽ học những gì từ chính gia đình? Hình ảnh của thầy cô quan trọng lắm, nhưng thử hỏi hình ảnh và nhân cách của phụ huynh không quan trọng trong mắt trẻ sao?
Chúng ta dẫu đòi quyền lợi cho con, muốn con vừa học chữ vừa học làm người ở trường nhưng phải đi cùng với hành động có tính giáo dục.
Chúng ta có khi nào tự hỏi, khi vào vai một chiếc camera chỉ biết xét nét thầy cô, chúng ta và các con sẽ nhận lại được gì?
Có phải chúng ta đang đùn đẩy cho giáo viên quá nhiều trách nhiệm? Họ vừa phải truyền thụ kiến thức cho học trò, để tạo ra những cá nhân giỏi giang, tạo thành tích cho trường, vừa phải giáo dục nhân cách cho học trò, tạo ra những công dân có kỹ năng sống. Để rồi, nếu giáo viên có muốn học trò vào khuôn khổ, to tiếng là phụ huynh lại "vơ bèo vạt tép", đưa ngay lên mạng xã hội?
Thức Thức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận