Từ năm lớp 9, Thuận đã xin phụ hồ kiếm tiền ăn học - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Bà con trong thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng không ai là không biết đến Thuận. Họ nhắc đến em bởi hoàn cảnh đặc biệt, tính tình hiền lành, hay giúp đỡ người khác và đặc biệt có một nghị lực phi thường.
Tuổi thơ không muốn nhớ
Bóng tối đổ dần trong căn nhà tình thương dột nát nơi Thuận gắn bó một mình suốt bao năm. Trận mưa dông đêm qua dột nước khiến chiếc bóng đèn cũ cũng tắt lịm.
Câu chuyện với Thuận dưới ánh nến lập lòe, có lúc thấy em đưa tay quệt dòng nước lăn trên má, có thể vì mái tôn nóng hầm hập khiến em vả mồ hôi hay là những giọt nước mắt khi vô tình chúng tôi chạm đến quá khứ của Thuận - điều mà em chưa bao giờ muốn nhớ.
Tuổi thơ Thuận luôn mặc cảm vì bị bạn bè trong xóm trêu chọc là đứa trẻ không cha. Ở miền quê nghèo nơi Thuận sống, chuyện mẹ sinh ra em là chủ đề cho lắm người dè bỉu. Rồi em đau đớn khi mẹ đi bước nữa, sinh đứa con thứ hai thì người cha dượng cũng bỏ đi. Mình mẹ nuôi hai đứa con côi cút.
Cuộc sống cơ cực khiến mẹ em đổ bệnh, những trận ốm triền miên vì còng lưng làm thuê khiến bà gần như kiệt sức. Đã có lần bà đặt con trên bàn giấy, quyết bán đứa con nhỏ đi để tránh thị phi và mong con gặp được gia đình sung sướng.
Trong trí óc non nớt của Thuận, việc bán em để lấy tiền nuôi mình là cả một sự đau đớn tột cùng. Thuận giật lại tờ giấy cam kết, bế đứa em trai chạy mất hút vào rừng keo bạt ngàn. Nhìn hai đứa con mang hai dòng máu yêu thương nhau, bà mẹ cũng đành ôm hai con cùng chịu khổ.
Rồi sức khỏe không cho bà quật lại với những bó củi hàng giờ. Bà phải bỏ quê lên thành phố làm thuê kiếm sống.
Hai anh em nương tựa nhau, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Cuối cùng Thuận cũng đồng ý cho mẹ gửi em vào một mái ấm tình thương.
Bà con trong xóm kể lại ngày Hòa, em trai Thuận, rời nhà vào mái ấm, Thuận đuổi theo xe gọi với: “Anh sẽ lên thăm em thường xuyên. Anh sẽ kiếm tiền để đưa em về, đưa mẹ về. Nhất định”.
Rồi Thuận làm thật. Em bỏ học khi vừa vào lớp 9, quyết lên thành phố kiếm việc làm. Quyết định của cậu trò học giỏi khiến thầy cô trong trường tiếc nuối, mọi người nhắn tìm em khắp nơi.
“Suốt một năm làm thuê, em mới ngẫm ra rằng cứ làm thuê suốt đời cũng sẽ làm thuê. Phải học mới có cơ hội kiếm nhiều tiền đưa em và mẹ về sống cùng. Phải học mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình - trở thành một kỹ sư” - Thuận tâm sự.
Thuận dạy kèm cho trẻ em trong xóm - Ảnh ĐOÀN NHẠN |
Nặng gánh mưu sinh
Sau một năm đi làm, Thuận trở về tiếp tục đi học. Em bảo rằng từ khi quyết định theo đuổi con chữ, em biết khó khăn sẽ tăng lên gấp nhiều lần nhưng cứ nghĩ đến cảnh sau này kiếm được việc làm ổn định, được làm nghề mình yêu thích và đón mẹ và em về chăm sóc là Thuận không sợ gì nữa.
Suốt bốn năm qua, cậu bé ngày nào trở nên chững chạc. Em đến các điểm bốc vác trong vùng xin làm theo buổi. Biết hoàn cảnh của Thuận, nhiều người giúp nhưng nhiều người ái ngại vì sợ em còn nhỏ, sức chẳng đủ làm. Nhìn thấy Thuận siêng năng, mạnh khỏe, ngày càng nhiều người gọi việc em hơn. Dường như ở cái đất Hòa Hải chẳng có việc nặng nhọc gì là Thuận chưa làm.
Thấy Thuận đạp chiếc xe cà tàng, một hàng xóm tốt bụng bán rẻ cho em chiếc xe cúp cũ, và thế là Thuận rong ruổi khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm tiền ăn học. Hằng ngày sau giờ học, Thuận kiếm thứ gì đó bỏ bụng rồi lại vội vàng đi làm. Mùa ươm keo Thuận xin vào bầu đất, ươm cây.
Thấy nhà ai xây sửa là em tìm đến xin phụ hồ rồi bốc củi thuê, bán quán nhậu… Thấy thời gian còn trống, Thuận nhận dạy kèm cho một số học sinh khóa dưới trong vùng. Giờ học của Thuận chỉ còn một tiếng buổi trưa và những đêm ôn thi đến sáng.
Thuận nói: Với Thuận, khoảnh khắc buồn nhất của một ngày là bữa cơm tối. Một mình lủi thủi tự nấu tự ăn đôi lần em không nuốt nổi. Khi đau ốm cũng chỉ có một mình, chàng trai khỏe mạnh đã có lúc phải bật khóc vì nhớ mẹ và em.
Thuận không được đi học thêm như chúng bạn, em quyết tự học để dành thời gian đó đi làm. Thế nhưng thành tích học tập của Thuận khiến nhiều người phải nể phục.
Cô Nguyễn Thị Thu Thảo (giáo viên chủ nhiệm của Thuận) cho biết: “Thuận là một học trò nghị lực nhất mà trước giờ tôi biết. Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng lúc nào em cũng lạc quan, quyết tâm mạnh mẽ. Tôi tin với ý chí đó em sẽ đạt được thành công sau này”.
Cầm bộ hồ sơ cùng số tiền vừa mượn được của một người hàng xóm, Thuận bước vào cổng Trường Bách khoa đầy kỳ vọng. Việc theo tiếp 5 năm đại học với em là một thử thách khó.
Nhưng Thuận đặt niềm tin thật lớn cho quyết định của mình, em nói: “Có lúc em nghĩ cuộc đời mình có nhiều cái còn khổ hơn cũng đã vượt qua được, thì việc tự nuôi mình học đại học em cũng sẽ làm được thôi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận