Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa - nơi vừa xảy ra sự việc - Ảnh: QUỐC NAM
Ngày 4-1, ông Nguyễn Đức Cường - giám đốc Sở Y tế Quảng Bình - xác nhận đơn vị này vừa nhận được văn bản của Bộ Y tế liên quan đến vụ một thai nhi tử vong khi sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa.
Ông Cường cũng cho biết đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa về sự việc trên. Báo cáo này do hội đồng chuyên môn của bệnh viện tự thành lập. Khi được hỏi về tính khách quan của báo cáo, ông Cường nói đó là quy định của ngành y.
Theo đó, khoảng 9h ngày 23-12-2019, sản phụ Đoàn Thị Bích, 24 tuổi, trú tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), có dấu hiệu chuyển dạ và được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa để chờ sinh. Qua thăm khám, sức khỏe của mẹ và thai nhi đều ổn định.
Đến 16h cùng ngày, chị Bích chuyển dạ và được đưa vào phòng chờ sinh. Khoảng 19h, chị Bích đau bụng dữ dội, máu ra nhiều, người nhà của chị Bích điện thoại cho bác sĩ Hoàng Văn Toan - trưởng khoa sản của bệnh viện (bác sĩ trực) - nhưng ông Toan không có mặt tại khoa sản.
Người nhà chị Bích cho biết ít nhất vài chục phút sau bác sĩ Toan mới có mặt. Sau đó phải chờ thêm vài chục phút nữa ca mổ mới được thực hiện vì phải chờ thêm bác sĩ gây mê từ bên ngoài bệnh viện chạy vào.
Một giờ sau, bác sĩ thông báo thai nhi đã tử vong. May mắn chị Bích được cứu sống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lâm Tuấn Phương - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tuyên Hóa - cho biết kết quả xác minh của hội đồng chuyên môn của bệnh viện cho thấy thai nhi tử vong do dây rốn bám lạc chỗ. "Trường hợp này rất hiếm gặp và có tỉ lệ tử vong rất cao khi gặp phải", ông Phương nói.
Giải thích về việc bác sĩ Toan là trưởng khoa sản và là bác sĩ trực nhưng không có mặt tại khoa sản thời điểm đó, ông Phương nói hôm đó là ngày bác sĩ Toan trực trưởng tua của toàn bệnh viện. Thời điểm sản phụ Bích ra máu nhiều, bác sĩ Toan đang ở một khoa khác để theo dõi bệnh nhân khác. Sau đó bác sĩ Toan đã có mặt thăm khám cho sản phụ Bích.
Về việc bệnh nhân phải chờ bác sĩ gây mê vào mới mổ được, ông Phương cho biết do bệnh viện hiện chỉ có đúng một bác sĩ gây mê. "Vì thiếu nhân lực nên thường bác sĩ gây mê trực ngoại trú, khi có sự cố mới chạy vào", ông Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận