14/07/2021 12:01 GMT+7

Bộ Y tế: Tiêm trộn 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ gia tăng phản ứng sau tiêm

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bộ Y tế vừa có 'giải thích lại' về việc có thể tiêm trộn vắc xin ngừa COVID-19, cho rằng tiêm trộn có thể gia tăng phản ứng sau tiêm chủng. Trước đó, trong quyết định phân bổ vắc xin Pfizer, Bộ Y tế hướng dẫn có thể tiêm trộn 2 loại vắc xin.

Theo thông cáo báo chí vừa được phát đi, chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10-7 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý 1-2022.

"Trên cơ sở các vắc xin COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho một số loại vắc xin COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V…" - Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.

Bộ Y tế cũng giải thích do nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm, cho người đã được tiêm mũi 1 của cùng một loại vắc xin là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer.

"Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng" - báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến ngày 14-7, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là khoảng 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca là hơn 280.000 người.

"Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà sản xuất, tốt nhất mỗi người tiêm đủ liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19" - Bộ Y tế hướng dẫn.

Chỉ trong trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần, nếu người được tiêm chủng đồng ý. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Biến thể Delta tấn công người chưa tiêm vắc xin, Tây Ban Nha tăng gần 44.000 ca Biến thể Delta tấn công người chưa tiêm vắc xin, Tây Ban Nha tăng gần 44.000 ca

TTO - Số ca bệnh COVID-19 ở Tây Ban Nha đã vượt mốc 4 triệu ca sau khi nước này công bố có thêm 43.960 ca ngày 13-7. Biến thể Delta là nguyên nhân làm tăng vọt ca nhiễm ở những người trẻ chưa tiêm vắc xin.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên