Bộ trưởng Y tế Thái Lan, ông Anutin Charnviraku trong một vườn trồng cần sa - Ảnh: THAIGER
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnviraku từng ước tính kinh doanh cần sa có thể giúp Thái Lan tạo ra 10 tỉ USD trong 3 năm đầu tiên thông qua các hoạt động du lịch và chữa bệnh.
Bên cạnh đó, ông Charnviraku tin tưởng cần sa có thể thay thế các loại thuốc đắt tiền nhằm giúp những người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận và chữa bệnh.
Theo Hãng tin Reuters, các doanh nghiệp Thái Lan hiện đang thu về lợi nhuận khá lớn từ các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ ăn nhẹ và kem đánh răng làm từ cần sa.
Tuy vậy, Bộ trưởng Y tế Thái Lan nhấn mạnh: "Chính sách cần sa của Thái Lan chỉ tập trung vào các mục đích y tế và chăm sóc sức khỏe".
Hành vi lạm dụng cần sa cho các mục đích giải trí sẽ được xem là bất hợp pháp, ông Charnviraku cho biết thêm.
Trước đó, sau khi rút cần sa ra khỏi danh sách chất cấm vào ngày 9-6, Thái Lan chỉ cho phép người dân trồng và bán loại cây này với mục đích y tế. Ngoài ra, mục đích thương mại sẽ bị cấm nếu không có giấy phép.
Luật pháp Thái Lan cũng chỉ cho phép sử dụng các sản phẩm có chứa CBD (hợp chất hỗ trợ giấc ngủ và giảm đau) trong cây cần sa. Ngược lại, sản phẩm có chứa trên 0,2% tetrahydrocannabinol (THC) sẽ bị cấm vì nó gây ảo giác cho người tiêu dùng.
Hiện dự thảo về việc kiềm chế sử dụng cần sa tại Thái Lan vẫn đang được Quốc hội nước này thảo luận nhằm tránh tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng cho mục đích giải trí, Hãng tin Reuters cho biết.
Tại Thái Lan, nhiều người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các sản phẩm có chiết xuất từ cần sa, Reuters thông tin.
Ông Nikom Rianthong, một khách hàng đang sử dụng kem đánh răng có cần sa, cho biết sản phẩm này đã giúp ông giải quyết vấn đề tụt nướu và nhiễm trùng răng miệng của ông.
Ông Pakpoom Charoenbunna, một khách hàng khác, chia sẻ rằng trà sữa từ cần sa giúp ông có giấc ngủ ngon hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận