Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương dự hội chẩn liên viện trực tuyến ngày 30-7. Đây là cuộc hội chẩn thứ 5 tính từ 25-7 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, Bộ Y tế cho biết thành phần được chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM...
Các chuyên gia này sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt hiện có mặt ở Đà Nẵng về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị. Toàn bộ lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của PGS-TS Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Ông Dương cũng là chỉ huy của "chiến dịch Sơn Lôi".
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động hàng trăm sinh viên Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng và Đại học Y dược Huế tham gia chống dịch. Bộ cũng đã điều 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện ở Đà Nẵng và Bệnh viện trung ương Huế.
Ngày 29-7, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều tới Đà Nẵng một máy ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể, dùng cho bệnh nhân nặng).
Tính đến 30-7, tổng số ca ghi nhận từ 25-7 tăng lên 43 ca, tính chung cả nước đã có 459 bệnh nhân kể từ đầu vụ dịch. Sáng nay, Tiểu ban điều trị đã có cuộc hội chẩn kế tiếp và là cuộc hội chẩn thứ 5 tính thứ 25-7 đến nay.
Tại cuộc họp, Tiểu ban điều trị cho biết sẽ điều chuyển thêm 3 bệnh nhân đến Bệnh viện trung ương Huế. Số bệnh nhân nặng đã tăng thêm lên 8 người, trong đó có 2 người đang phải dùng thiết bị tim phổi ngoài cơ thể.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, trong số 125 ca bệnh mới từ Guinea Xích Đạo về nước ngày 29-7, có 3 người vừa bị COVID-19, vừa bị sốt rét và đang rối loạn đông máu, 8 người khó thở nhưng còn ở mức độ nhẹ.
Nhằm giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 trong tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế Hà Nội đã bố trí Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Đống Đa tiếp nhận trong trường hợp có bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận