11/01/2019 17:33 GMT+7

Bộ Y tế lo ngại người dân lấy bia để... giải độc rượu!

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Lo ngại người uống rượu bia cứ say rượu lại lấy bia để... chữa, Bộ Y tế đã tổ chức ngay một cuộc gặp với báo chí, ngay sau khi câu chuyện bác sĩ Quảng Trị dùng 15 lon bia cứu người ngộ độc rượu.

Bộ Y tế lo ngại người dân lấy bia để... giải độc rượu! - Ảnh 1.

1 ngày sau khi câu chuyện bác sĩ Quảng Trị dùng 15 lon bia chữa cho người ngộ độc rượu, Bộ Y tế lo ngại người dân lấy bia để... giải độc rượu! - Ảnh minh họa

Trong cuộc gặp ngày hôm nay (11-1), ông Nguyễn Trung Nguyên, thuộc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, giải thích: khi ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và ethanol (cồn trong rượu thông thường), biểu hiện ban đầu hoàn toàn giống nhau, đều có cảm giác nôn nao trong cơ thể, tụt huyết áp.

Nhưng trong 12 - 48 giờ sau, nếu ngộ độc methanol thì các biểu hiện để phân biệt bắt đầu rõ ràng hơn: người ngộ độc methanol sẽ có các dấu hiệu như mắt nhìn mờ, hôn mê...

Chính vì vậy, trong một ngày vừa qua, việc các bác sĩ Quảng Trị sử dụng 15 lon bia để giải độc methanol cho bệnh nhân đang khiến nhiều người nghĩ rằng nếu say rượu có thể dùng bia để chữa.

Theo ông Nguyên, việc cho bệnh nhân dùng bia/rượu chứa ethanol chỉ sử dụng khi bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Tuyệt đối không uống rượu quá chén rồi lại uống bia để chữa say rượu.

"Không phải cứ uống bia vào là giải được rượu" - bác sĩ Nguyên cho biết.

Bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - nói rõ thêm: trong vòng 1 giờ, gan có thể thải trừ 10 gram cồn, tương đương 15ml rượu vang hoặc 2/3 lon bia. Tuy nhiên, không ai uống rượu bia lại uống cầm chừng 15ml rượu hoặc 2/3 lon bia rồi ngưng đợi gan hoàn tất việc thải trừ cồn.

"Uống quá nhiều rượu bia khiến gan làm việc liên tục và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý gan mật" - bà Trang cho biết.

Theo ông Nguyên, ngộ độc methanol ở Việt Nam có đặc thù do uống phải rượu giả (thực chất là cồn công nghiệp), đồng thời ông cũng cảnh báo rằng cồn sát trùng (cồn y tế) có tiêu chuẩn 70 - 90% cồn ethanol, nhưng thực tế nhiều loại cồn sát trùng hoàn toàn là methanol, nên nguy cơ gây ngộ độc cũng rất lớn.

Tuyệt đối không sử dụng bia để giải

Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia.

Thậm chí nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu/bia thông thường) mà vẫn tiếp tục uống thêm rượu bia có ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Việc sử dụng ethanol để giải độc methanol ở Quảng Trị, theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - là việc đáng biểu dương vì đã nhanh chóng chọn được phương pháp phù hợp để cứu bệnh nhân.

Nhưng ông Khoa nhấn mạnh đây chỉ là phương pháp bổ trợ, quan trọng vẫn là lọc máu để thải trừ methanol.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên