Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong ca phẫu thuật gần đây - Ảnh: BVCC
Sáng 4-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó cục trưởng phụ trách Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang nói rất thiệt thòi về nhiều bất cập trong công nhận khung trình độ, xếp bậc lương... chỉ tương đương cử nhân, cho dù bác sĩ học 6 năm với quá trình tuyển chọn đầu vào và đào tạo khó khăn.
Tuy nhiên, ngành y đang quyết tâm đổi mới và đã nhận được sự đồng thuận của ngành giáo dục đào tạo.
Ông Quang nói: "Tôi rất đồng thuận với ý kiến trên Tuổi Trẻ Online ngày 3-8 rằng cơ quan quản lý giáo dục hạ cấp trình độ bác sĩ xuống cử nhân.
Lâu nay bác sĩ thiệt thòi, thời gian học 6 năm nhưng được xếp khung trình độ bậc 6 là tương đương cử nhân, xếp bậc lương khởi điểm tương đương cử nhân, nhiều hệ đào tạo chuyên biệt của ngành y tế như bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 không được công nhận là đào tạo sau đại học, trong khi đây là hệ đào tạo có ưu thế dành cho các bác sĩ lâm sàng, làm việc tại bệnh viện.
Vì hệ đào tao chuyên khoa không được công nhận năm trong danh mục đào tạo quốc gia, bác sĩ học 6 năm, học chuyên khoa lại học thêm nữa, nhưng muốn được chuyển đổi bằng cấp để xếp lương như thạc sĩ, tiến sĩ thì lại phải học thêm.
* Ông có nói bác sĩ thiệt thòi, nhưng vì sao sự "thiệt thòi" này lại bị kéo dài trong rất nhiều năm qua mà không sửa đổi sớm?
- Ít nhất là trong 5-7 năm qua, chúng tôi đã đề xuất rất nhiều lần mà chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT.
Việc này không những không công bằng với các bác sĩ, mà khiến hệ thống đào tạo y khoa của chúng ta "vênh" với quốc tế.
Bởi lẽ thông lệ quốc tế là bác sĩ đào tạo 6 năm (như ở Pháp) và 7 năm (như ở Mỹ) được coi là đào tạo sau đại học, bác sĩ ra trường dược xếp tương đương trình độ thạc sĩ, trong khi như tôi đã nói ở trên, bác sĩ của chúng ta đang được xếp tương đương cử nhân.
* Bất cập như vậy thì việc đổi mới sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ngành y tế đang tiến hành đổi mới khung chương trình và hệ thống đào tạo y khoa, theo hướng xây dựng khung chương trình đào tạo y khoa 4+2 (năm).
Trong đó, người học ĐH y khoa 4 năm được xếp trình độ cử nhân, khung trình độ bậc 6 (cử nhân y khoa), làm việc tại cơ quan hành chính; học thêm 2 năm được công nhận là bác sỹ y khoa, xếp khung trình độ bậc 7, tương đương bậc thạc sĩ; học thêm để trở thành bác sĩ chuyên khoa sẽ được xếp khung trình độ bậc 8, tương đương tiến sĩ.
Bên cạnh đó, sẽ có kỳ thi quốc gia để đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Lần này, Bộ Y tế quyết tâm đổi mới để phù hợp với hệ thống bằng cấp quốc tế và chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT cũng như như sự hỗ trợ từ Chính phủ.
* Lộ trình đổi mới sẽ thực hiện như thế nào để bác sĩ hết bị thiệt thòi, và với các bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 đã có thì có thể tự động điều chỉnh bằng cấp cho học hay dùng cách thức gì, thưa ông?
- Về nguyên tắc, khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ ra đời, có hiệu lực thì việc đổi mới cũng có hiệu lực.
Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ trình dự thảo hướng dẫn lên Chính phủ. Tuy nhiên, với các trường thì cần một lộ trình để trường thay đổi hệ thống đào tạo và chương trình đáp ứng những tiêu chí, tiêu chuẩn và thời điểm áp dụng dự kiến là năm 2021.
Khi đó, bác sĩ y khoa sẽ được xếp trình độ bậc 7, tương đương thạc sĩ, không còn tên gọi bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 nữa, mà gọi chung là bác sĩ chuyên khoa với bác sĩ đã hoàn thành đào tạo về lâm sàng, ví dụ như bác sĩ chuyên khoa ngoại, bác sĩ chuyên khoa mắt...
Nhưng các bác sĩ chuyên khoa ngoại mà lại học thêm về ngoại chấn thương chỉnh hình, ngoại tiêu hoá... thì sẽ được gọi là "chuyên khoa sâu".
Hai ngành y tế - giáo dục cũng sẽ hướng dẫn cụ thể bác sĩ chuyên khoa cần bổ sung thêm kiến thức gì để được công nhận là tiến sĩ khi tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, các tiến sĩ thì cần chứng chỉ gì để tham gia thăm khám lâm sàng tại bệnh viện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận