Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm cả nước ghi nhận gần 9.000 ca mắc tay chân miệng, có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An. Trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam với 6.204 ca; miền Bắc là 2.007 ca; miền Trung có 656 ca; Tây Nguyên với 130 ca.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, theo dõi ca bệnh và đảm bảo đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất cần thiết để điều trị.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.
Tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị. Tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú, điều trị nội trú và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị. Thực hiện chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.
Chủ động phòng bệnh
Để phòng tránh tay chân miệng cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần nhớ cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận