Trưa 13-4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin báo chí về tình hình dịch COVID-19 gia tăng gần đây.
Vì sao số ca COVID-19 tại miền Bắc tăng nhanh?
Đánh giá tình hình dịch hiện nay, ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh, ca mắc tăng xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Cụ thể, thời gian qua tại khu vực phía Bắc, ghi nhận số mắc COVID-19 tăng cao, hơn 4 lần so với tuần trước đó.
"Tuần qua ghi nhận hai địa phương có ca mắc tăng cao, tại Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát tốt, chống dịch hiệu quả. Như Lào Cai, sau 5 ngày không có lan rộng ca mắc.
Tuy nhiên, về tình hình chung, số ca trong thời gian tới có thể có sự gia tăng", ông Lân nhận định.
Theo ông Lân, nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc COVID-19 những ngày qua tăng. Thứ nhất là do yếu tố thời tiết, khi miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa.
Thứ hai là do ý thức phòng bệnh của người dân, đặc biệt là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh còn chưa đảm bảo.
"Một điểm nữa là vấn đề vắc xin. Các biện pháp đã triển khai từ vắc xin đã bao phủ hầu hết, tuy nhiên có nơi có chỗ tỉ lệ chưa đạt như mong muốn, nhất là nhóm nguy cơ cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, giảm ca tăng nặng và tử vong.
Các nhà khoa học cũng dự báo vi rút SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, cuộc sống, chúng ta cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao.
Những người có bệnh lý nền, trẻ em, người cao tuổi,… là nhóm có hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Vì vậy, cần tiêm vắc xin đầy đủ và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch 2K", ông Lân khuyến cáo.
Công bố rõ ràng cho người dân biết để phòng, chống
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết các biện pháp phòng chống, không hoang mang nhưng không được chủ quan.
"Với số mắc hiện nay, đánh giá về mặt sơ bộ tất cả các tỉnh, thành đều đang ở "màu xanh", chưa vượt qua cấp độ 1. Có tình trạng tăng cục bộ nhưng đã được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, các địa phương phải theo dõi sát số liệu, đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng cho người dân biết để phòng, chống.
Ở cấp độ dịch xã phường sẽ phát hiện sớm nhất, gọn nhất, khoanh vùng nhanh nhất, xử lý dịch tại nguồn, không để ảnh hưởng tới vùng khác, ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào địa phương, tránh tạo sự hoang mang, cùng với cấp độ dịch là biện pháp phòng chống của địa phương", ông Lân nói.
Ông Lân cũng khẳng định, mục tiêu chống dịch COVID-19 trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, tử vong, không quá tải hệ thống y tế.
Đã cần tiêm vắc xin mũi bổ sung
Thực tế, nhiều người dân Việt Nam đã tiêm mũi 3 - 4 vắc xin COVID-19 đủ 6 tháng. Vậy đến nay hiệu quả bảo vệ của vắc xin thế nào, có cần tiêm mũi bổ sung?
Trả lời vấn đề này, ông Lân cho biết mục tiêu của vắc xin là giảm ca nặng, nhập viện và tử vong. Cho đến nay, các nghiên cứu về miễn dịch đối với COVID-19 trên các đối tượng đã tiêm mũi 1, 2, 3, 4 là chưa đầy đủ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những nghiên cứu trên thế giới và khuyến cáo của WHO để tiếp tục đưa ra lịch tiêm chủng phù hợp. Sắp tới chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm.
Đôi khi tiêm sớm quá trong bối cảnh dịch đang được kiểm soát sẽ làm lãng phí nguồn lực. Chúng ta cần sự thận trọng, sử dụng hiệu quả vắc xin", ông Lân cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận