Quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được tiếp thu để sửa đổi
Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây của Bộ Xây dựng về việc tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, đồng thuận, nhất là với phương án có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn.
Do vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tại dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).
Tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng; trường hợp phá dỡ nhà chung cư và trách nhiệm chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư; việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây mới lại nhà chung cư cũ hiện nay.
Các nội dung này sẽ được cơ quan soạn thảo - Bộ Xây dựng thiết kế, quy định tại chương về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Đối với quy định về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, theo Luật nhà ở 2014, cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mua, sở hữu nhà (gồm nhà ở riêng lẻ, chung cư) tại các khu vực được phép sở hữu nhà ở và người mua nhà ở được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, theo Luật đất đai.
Thay đổi quy định về người nước ngoài được sở hữu nhà gắn quyền sử dụng đất
Tuy nhiên, Luật đất đai 2013 và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định cá nhân nước ngoài không được sử dụng đất tại Việt Nam. Nghị quyết 18 của Trung ương cũng không đề cập tới việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, bộ đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) về cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật sẽ không cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất.
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), cơ quan này đề nghị Chính phủ không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư như dự thảo.
Đồng thời, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời người dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.
Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng hai phương án, gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận