31/07/2006 05:42 GMT+7

Bơ vơ trên đất mẹ

PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH - NGỌC DIỆN
PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH - NGỌC DIỆN

TT - Con lai Đài Loan thế hệ 0X (sinh những năm 2000) chưa biết mặc cảm, chưa biết đặt câu hỏi vì sao cho thân phận của mình vì các em còn quá bé bỏng. Nhưng nhìn cảnh các em thiếu tình thương của cha, vắng sự quan tâm của mẹ, người lớn đủ cảm thấy day dứt...

v3f8U7vP.jpgPhóng to
Xa mẹ, mất cha, hai đứa con lai này phải về quê sống với bà ngoại - Ảnh: Y.T.
TT - Con lai Đài Loan thế hệ 0X (sinh những năm 2000) chưa biết mặc cảm, chưa biết đặt câu hỏi vì sao cho thân phận của mình vì các em còn quá bé bỏng. Nhưng nhìn cảnh các em thiếu tình thương của cha, vắng sự quan tâm của mẹ, người lớn đủ cảm thấy day dứt...

Kỳ 2: Đường về với những đứa con lai Kỳ 1: “Sóng ngầm” ngày đi

Những đứa con “mồ côi”

Chúng tôi về Cù Lao Dung - một huyện nghèo nằm giữa dòng sông Hậu. Vài năm nay người ta đặt cho xứ nghèo này cái tên “đảo Đài Loan” bởi vì nơi đây có số cô dâu lấy chồng xứ Đài nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng.

Trên đường qua xã An Thạnh I - xã có trên 200 cô gái lấy chồng nước ngoài - chúng tôi hỏi một chị bán chuối nướng, chị vanh vách kể và hướng dẫn chúng tôi vào nhà có hai đứa con lai vừa trở về.

Đó là căn nhà lá nhỏ nằm sâu trong một bờ đất sình lầy của cù lao. Hai đứa trẻ một trai, một gái quấn quít bên bà ngoại đang đút cơm. Một tô cơm trắng! Nhìn hai đứa cháu mũm mĩm trắng như bông lấm lem bùn đất, bà H.T.C. rớt nước mắt.

Bà nhớ lại hơn một tháng trước, con gái bà - chị T.T. - bồng con từ Đài Loan trở về. Chị cho biết chồng chị đột ngột mất sau cơn nhồi máu cơ tim, mẹ và em chồng sợ bị chia gia tài nên tìm cách đánh đuổi cả ba mẹ con đi.

Bơ vơ đất khách quê người, không nghề nghiệp, chị T. đành vay mượn bạn bè đồng hương tiền mua vé máy bay bồng con về quê ngoại. Mà quê ngoại có khấm khá gì. Ông bà ngoại đều ngoài 60 tuổi.

Nhà ngoại có hơn công đất trồng nhãn cũng đã đem cầm cố để trị bệnh phổi cho bà. Một hôm, chờ con ngủ say, chị T. lén hôn con rồi gạt nước mắt quay qua Đài Loan với ý nghĩ sẽ tìm việc làm kiếm tiền trả nợ và nuôi con.

Bà C. nghẹn ngào: “Ngày đi nó chỉ còn 500.000 đồng trong túi. Nó hẹn 10 ngày sau sẽ gửi tiền về cho con mà nay hơn tháng rồi chưa có tin tức gì. Tui vay mượn nuôi cháu cũng là thương thân con gái mình không biết đã trôi nổi về đâu”.

Ngày mới xa mẹ, bé gái Lin Yi Syun mới 27 tháng và bé trai Lin Shan Tai 17 tháng (hai tên này chúng tôi ghi lại từ giấy khai sinh, bà ngoại không biết tiếng Hoa nên không nhớ nổi tên cháu).

Hai bé không biết tiếng Việt, ông bà không biết tiếng Hoa, nên những lúc cháu đói khát đòi ăn uống thì ông bà cũng không biết. Ông bà chăm cháu theo kinh nghiệm. Dần dần, hai bé cũng biết cách ra dấu hoặc muốn đòi lấy gì thì kéo tay dắt ông bà chỉ tận nơi.

Thời gian đầu hai cháu thiếu thốn và nhớ mẹ nên khóc suốt. Thấy cháu khóc, bà ngoại cũng không cầm được nước mắt. Trong căn nhà lá cũ nát, bà ngoại chạnh lòng: “Nhà chỉ còn mỗi cậu út đi làm thuê nuôi cả nhà không đủ.

Chợ lại ở xa, cả tháng nhà mới đi chợ một lần nên tụi nhỏ thiếu thốn đủ bề. Cỡ này con người ta đã đi mẫu giáo, còn hai đứa này chẳng biết rồi sẽ ra sao”.

Nhạt nhòa tình ruột thịt

aN9XK7ov.jpgPhóng to
Em còn quá hồn nhiên để hiểu được những khó khăn đang chờ phía trước - Ảnh: Y.T.
Trong ngọn, trong bưng, trong cồn, trong cù lao là nơi mà những đứa con lai đang sống. Các em là kết quả của một cuộc hôn nhân vội vã, bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Những đứa con phải gánh chịu hậu quả từ sự nông nổi của người mẹ như trường hợp bé K. ở ấp Trường Thọ, cù lao Tân Lộc.

Khi chúng tôi đến nhà, nhắc đến câu “có chồng ngoại quốc”, ông ngoại bé đã không nén được bực bội: “Tôi không biết!”. Nói rồi ông lánh hẳn ở nhà sau. Bà ngoại nhận lời tiếp khách trong khi những người dì nhìn chúng tôi rất khó chịu.

Bà giải thích: “Hồi đó ổng không cho con N. lấy chồng Đài Loan. Nhưng thấy nhà nợ nần quá nó liều đi”. Với thu nhập của người thợ hàn, con rể không thể giúp bà trả nợ. Vợ chồng không thể chia sẻ khi ngôn ngữ và văn hóa bất đồng, gia đình chị N. rạn nứt và chia đôi từ đó. Ly hôn. Đứa con 2 tuổi được gửi về ngoại. Người mẹ tiếp tục quay sang Đài Loan kiếm tiền. Gần bốn năm rồi bé không gặp cha.

Mẹ bé Q.N. ở xã Thuận An, huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) thì gặp người cha nghiện ngập. Sinh bé mới một tháng, người mẹ ấy phải làm thêm để có tiền cho chồng đi hút. Chị nhận hàng về nhà, vừa trông con vừa làm việc.

Những lúc đòi tiền không có, người chồng mắng nhiếc vợ không tiếc lời. Không chịu đựng nổi, chị bồng đứa con mới ba tháng tuổi về VN. Nhưng rồi người mẹ cũng gạt nước mắt quay trở lại Đài Loan để tìm việc làm kiếm tiền nuôi con, bé N. lại xa dòng sữa mẹ.

Chúng tôi đến nhà cô N.T.K.B. ở Còn Mây, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long). Chị không có nhà. Chỉ có bé T. 4 tuổi đang vọc đất trước sân căn nhà lá cũ. Theo lời bà ngoại, vì cơm áo gạo tiền và không còn mặt mũi nào nhìn hàng xóm, mẹ bé lại lên thành phố tìm việc làm.

“Nghe nói nó đi làm bánh cho người ta nhưng không biết đúng không nữa. Mỗi tháng nó gửi về 500.000 đồng để tui nuôi cháu”. Bằng cách gả con, bà mong chị thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ nghèo nàn ở nông thôn.

Tuy nhiên, cả hai mẹ con đều không lường trước được những bất trắc. Cô gái ngơ ngác về nhà chồng mới phát hiện người chồng đã chung sống với người phụ nữ khác từ lâu. Vì người phụ nữ này không chịu sinh con nên ông giận đi cưới vợ, cô B. dần hiểu mình chỉ là cái “máy đẻ”.

Khi bào thai được năm tháng, cô ôm nó về VN sống với ba mẹ ruột. Ngày mới về, cô B. chẳng dám ra đường. Suốt ngày cứ nằm trên võng thở dài. Ngày lâm bồn, chị đã bán những thứ nữ trang còn lại để đi bệnh viện và mua tã cho con.

Gần đây, muốn giành quyền nuôi con trai, người cha đã sang VN tìm con. Cũng giống như những đứa con lai khác, bé T. ngoài việc mừng được cha cho những thứ đồ chơi ngộ nghĩnh, bé không thể nói chuyện được với cha mình vì hai cha con nói bằng hai thứ ngôn ngữ khác nhau.

Ở với mẹ thì xa cha. Ở với cha thì xa mẹ. Nhiều cha mẹ chia tay, con cái cũng bị xẻ đôi. Vì những bất đồng trong gia đình, bỏ lại cậu con trai lớn mới 3 tuổi ở lại Đài Loan, chị C. ôm đứa con gái nhỏ về nhà ngoại ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp).

Ngày về vội vã chị không nhớ cầm theo giấy khai sinh của con gái. Chị không có việc làm. Chưa biết tương lai con gái sẽ như thế nào. Riêng cậu con trai mới 3 tuổi sống với cha thì thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.

Một người bạn của hai vợ chồng đã cho tôi xem ảnh cậu con trai kháu khỉnh: “Bé nhờ tôi chụp để đem về VN cho em gái coi. Ngày tôi về VN, nó cũng đòi theo về VN tìm mẹ. Ba nó giận dữ lắm, không cho nó nhắc tới mẹ. Tội nghiệp thằng bé, ba nó làm nghề tài xế phải đi miết ngoài đường. Từng ấy tuổi đầu mà cha ăn cơm hộp thì con cũng ăn cơm hộp theo”.

Chị K.L. vừa từ Đài Loan về thăm nhà ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) kể: “Trong nhóm đi lấy chồng nước ngoài cùng tôi ngày xưa có sáu người thì đã có ba người bất hạnh. Mới đây, nửa đêm khi tôi đang ngủ thì đứa bạn quê Bạc Liêu gõ cửa cầu cứu. Mới sinh con hơn một tháng, nó đã bị chồng đấm đá vào lưng.

Khi ra tòa ly dị, nhà nội giành nuôi con. Bức bách quá, tôi xúi nó bồng con trốn lúc nửa đêm. Về đây, nó gửi con cho người chị ruột rồi lại quay trở qua bên kia tìm việc”. Những đứa trẻ ấy phải xa dòng sữa mẹ từ rất sớm, các em trở thành trẻ “mồ côi” khi vẫn còn cha, còn mẹ.

PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH - NGỌC DIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên