Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Q.H.
Theo đó, cử tri tỉnh Tây Ninh nêu về việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc của mỗi công dân Việt Nam.
Tuy nhiên ngày 7-5 là ngày chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng chưa có quy định cho treo cờ. Do đó cử tri đề nghị xem xét quy định cho người dân treo cờ Tổ quốc vào ngày này.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ đã có hướng dẫn về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có nội dung hướng dẫn về cách treo, thời gian treo Quốc kỳ.
Cụ thể như Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương.
Lãnh đạo bộ nêu rõ căn cứ điều 4 nghị định 145 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài xác định:
Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) là một trong 7 ngày lễ lớn của đất nước. Do đó bộ đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn treo cờ Tổ quốc vào dịp này theo phân cấp và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Dự kiến cử hàng trăm người đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài
Cử tri TP.HCM đề nghị có chính sách đào tạo đội ngũ trẻ trong các lĩnh vực đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc… có trình độ ngoại ngữ, có đam mê, tài năng, tố chất thực sự.
Tuyển chọn kỹ lưỡng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam (tránh trường hợp cục bộ) đưa đi du học ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…) để cập nhật những kiến thức mới, hay và lạ về phục vụ đất nước.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay đã tham mưu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15-6-2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023.
Trong đó quy định về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh. Đồng thời bộ đã phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030.
Đề án với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng nòng cốt phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Theo kế hoạch, từ năm 2020 đến 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài khoảng 30 học sinh trung cấp, 227 cử nhân, 144 thạc sĩ và 45 tiến sĩ.
Bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 325 giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật.
Các cơ sở đào tạo được lựa chọn tại các nước tiên tiến, có kinh nghiệm, uy tín trong đào tạo về văn hóa nghệ thuật đối với các lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc đề án gồm: Liên bang Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hoa Kỳ...
Trong đó lựa chọn các cơ sở đào tạo đã có thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo... Đến nay đã có 29 ứng viên tuyển sinh đang theo học tại Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Úc, Vương quốc Anh, Canada.
Trong số 16 lưu học sinh đã tuyển các năm 2018, 2019 có 3 lưu học sinh Mỹ, Úc đã về nước và hoàn thành thủ tục báo cáo tốt nghiệp, 9 lưu học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ dự kiến tốt nghiệp trong năm 2022, 4 lưu học sinh đang theo học tại Liên bang Nga.
Hằng năm, bộ cũng tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng ngoại ngữ và chính trị tư tưởng cho người trúng tuyển trước khi đi đào tạo ở nước ngoài.
Việc tuyển sinh, lựa chọn được thông báo rộng rãi trên cả nước tới các cơ quan, đơn vị, gồm các sở, các cơ sở đào tạo và có đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước, đồng thời đưa trên trang tin điện tử của cơ quan chủ trì thực hiện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận